Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm gì để đảm bảo an toàn cháy nổ tại chợ, trung tâm thương mại?

Đạt Lê - Gia Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu giao thương, buôn bán hàng hóa diễn ra đặc biệt sôi động tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Thực tiễn cho thấy, công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại luôn là vấn đề nóng…

Hiện trường vụ cháy kho tại chợ Ninh Hiệp, Hà Nội.
Hiện trường vụ cháy kho tại chợ Ninh Hiệp, Hà Nội.

“Bà hỏa” luôn rình rập các chợ...

Thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH), chỉ riêng trong năm 2021, trên cả nước đã xảy 24 vụ cháy chợ, 17 vụ cháy trung tâm thương mại (TTTM), bách hóa, gây thiệt hại lớn về tài sản, điển hình như: Gần đây nhất vào 17 giờ 15 phút ngày 30/12/2021, xảy ra vụ cháy tại kho gần chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Công an TP Hà Nội đã điều động 8 xe chữa cháy, 2 xe téc nước và 1 xe CNCH cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến tổ chức chữa cháy, theo thống kê ban đầu, tổng diện tích xảy cháy hơn 900m2 (50m2 quán ăn và khu vực lán tạm chứa vải vụn, quần áo, hàng tạp hóa với diện tích khoảng 900m2).

Hay một vụ cháy lớn xảy ra trước đó tại chợ Núi Đèo, Thủy Nguyên (Hải Phòng) vào khoảng 23 giờ đêm ngày 12/10/2021. Sau khoảng 5 giờ nỗ lực chữa cháy, lực lượng chức năng, cùng các hộ dân mới khống chế được đám cháy, vụ cháy khiến hàng trăm ki-ốt tại chợ này bị thiêu rụi.

Vụ cháy lớn tại chợ Núi Đèo, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Vụ cháy lớn tại chợ Núi Đèo, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Các vụ cháy nêu trên tuy không gây thiệt hại về người song gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hướng đến an ninh trật tự, an sinh xã hội; Gây tâm lý hoang mang cho các tiểu thương, hộ kinh doanh cũng như các hộ dân sinh sống gần các khu vực tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

 

Khi xảy cháy hãy bình tĩnh, kịp thời phối hợp với các đơn vị cá nhân liền kề tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hà Nội theo số máy 114.

 

Về nguyên nhân xảy ra các vụ cháy thiệt hại lớn về tài sản trên, theo đại diện Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (Công an TP Hà Nội) nhận định: Phần lớn do sự cố hệ thống điện và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn PCCC. Ngoài ra, sự thiếu ý thức, kiến thức PCCC của người dân, người kinh doanh buôn bán, thì điều đáng nói là nhiều cơ quan chủ quan, ban quan lý chợ, TTTM chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, còn thiếu sự quan tâm, lơ là hoặc coi nhẹ công tác PCCC.

Thậm chí có nơi còn cố tình vi phạm quy định về PCCC, điển hình các vi phạm về an toàn PCCC như: Không quản lý chặt chẽ về nguồn lửa, nguồn nhiệt; vi phạm trong việc bố trí hàng hóa không đảm bảo an toàn PCCC đối với thiết bị điện, không trang bị hoặc trang bị nhưng không đảm bảo phương tiện PCCC ban đầu…

Trước yêu cầu đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH, theo đó chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quanđẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC đối với loại hình này.

Hạn chế cháy nổ bằng cách nào?

Để đảm bảo an toàn PCCC, từ đó kéo giảm số vụ cháy, nổ cũng như thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra đối với loại hình chợ, siêu thị, TTTM, Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Các ban quản lý chợ, đơn vị chủ quản siêu thị, trung tâm thương mại; Các hộ, đơn vị kinh doanh; người dân tham gia hoạt động thương mại thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

Ban quản lý chợ, đơn vị chủ quản siêu thị, TTTM phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC, đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở. Các công trình được xây dựng trước thời điểm Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, không thực hiện thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC phải có kế hoạch đề xuất nguồn kinh phí để cải tạo, xây dựng mới nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC phù hợp với điều kiện xã hội thực tế.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy làm nhiệm vụ trong vụ cháy chợ Ninh Hiệp.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy làm nhiệm vụ trong vụ cháy chợ Ninh Hiệp.

Chủ động trang bị phương tiện PCCC tại chỗ theo quy mô tính chất hoạt động như: Hệ thống BCTĐ, hệ thống chữa cháy trong và ngoài nhà, bình chữa cháy,... Thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng các phương tiện PCCC được trang bị tại cơ sở.

Định kỳ huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về PCCC&CNCH cho lực lượng PCCC tại chỗ, các tiểu thương và các hộ, đơn vị kinh doanh trong khu vực quản lý. Thường xuyên thực tập phương án chữa cháy tại chỗ, đảm bảo có thể xử lý các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra.

Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (áptomát) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp của hộ, đơn vị kinh doanh.

Khi bố trí ngành hàng, chất hàng phải tính toán đến tính chất nguy hiểm cháy nổ của từng loại hình kinh doanh (như bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy)…

Công an TP Hà Nội đề nghị: Các ban quản lý chợ, tăng cường kiểm tra nhắc nhở các tiểu thương, hộ, đơn vị kinh doanh, khách mua hàng hóa trong việc đảm bảo an toàn PCCC như: Không thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã trong khu vực kinh doanh; Bố trí hàng hóa vật tư đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, không bố trí hàng hóa, vật dụng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, không bố trí lấn chiếm lối đi phục vụ thoát nạn; Tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất đặc biệt nguy hiểm cháy như xăng dầu, cồn, gas, pháo nổ và hóa chất dễ cháy khác khi chưa được cấp phép của cơ quan chức năng; Ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng...