Thị trường rộng mở
Liên bang Nga với dân số hơn 140 triệu người, thu nhập bình quân đầu người trên 18.000 USD/năm, song công nghiệp nhẹ của Nga chưa được chú trọng phát triển nên phần lớn hàng tiêu dùng phải nhập khẩu.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch thương mại Việt - Nga giai đoạn 2018 - 2020 đạt 4,5 tỷ USD/năm, trong đó nông sản chiếm khoảng từ 18 - 20%. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc vận chuyển hàng Việt sang thị trường Nga gặp nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu nhất là nông sản sang Liên bang Nga vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021 , kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản sang thị trường Nga đạt 323,26 triệu USD tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thủy sản tăng 66%, rau quả 47,6%, hạt điều 59,76%, hạt tiêu tăng 71,3%, đặc biệt cao su tăng tới 230,8%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện Việt Nam là nước cung cấp cà phê lớn nhất cho Liên bang Nga, chiếm 31,2% thị phần cà phê nhập khẩu của nước này. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ, Liên bang Nga là thị trường tốt cho hàng tiêu dùng Việt Nam, một số mặt hàng nông sản, nông sản chế biến của Việt Nam như xoài, tương ớt, nước chấm, bưởi, thanh long… đã từng bước tiếp cận được các hệ thống bán lẻ của Liên bang Nga. “Đây là thị trường giúp các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam tiến vào thị trường châu Âu trong thời gian tới” - bà Mai Anh nói.
Tăng cường xúc tiến thương mại tìm hiểu thị trường
Mặc dù hàng Việt đã tiếp cận được với thị trường Liên bang Nga, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng có ưu thế, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ thị trường thông qua xúc tiến thương mại.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến với các doanh nghiệp, tổ chức hợp tác thương mại Việt - Nga do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam vừa tổ chức, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Việt Regina Budarina chia sẻ, cơ hội để hàng hóa Việt Nam nhất là các loại mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống vào thị trường Nga rất rộng mở.
Tuy nhiên, hiện nhiều sản phẩm Việt Nam, dù đã xuất khẩu sang Nga nhưng người tiêu dùng lại chưa biết nhiều dù nhu cầu rất lớn. “Mặc dù Việt Nam là nước cung cấp cà phê lớn nhất vào Liên bang Nga, nhưng cà phê có thương hiệu của Việt Nam hầu như không có trên kệ hàng của các chuỗi siêu thị tại Nga. Nguyên nhân là bởi cà phê Việt Nam xuất khẩu vào Liên bang Nga ở dạng nguyên liệu thô (khoảng 99% cà phê Việt xuất sang Nga là cà phê thô, cà phê rang xay chỉ có 1%)”-bà Regina Budarina nêu ví dụ.
Để hàng Việt khai thác thị trường Nga sâu rộng, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, bà Regina Budarina gợi ý, doanh nghiệp Việt Nam cần đi theo con đường ngắn nhất đó là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam nên tổ chức thường xuyên những hội nghị chuyên đề, triển lãm… để thương hiệu Việt đến gần hơn với người tiêu dùng Nga. Bên cạnh đó lập thêm văn phòng thương mại Việt – Nga để doanh nghiệp tham gia trao đổi kinh nghiệm.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện Tập đoàn X5 Tatiana Aptel chia sẻ, hiên Tập đoàn có trên 17.352 cửa hàng tiện ích trên toàn Nga. Hiện Tập đoàn X5 rất quan tâm đến các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam như thực phẩm tươi trái cây nhiệt đới, trái cây khô, hải sản…
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu (Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam) Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Liên bang Nga là thị trường được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, đẩy mạnh hợp tác, đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, hạn chế của các doanh nghiệp Việt - Nga hiện nay vẫn là thiếu thông tin về thị trường của nhau.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ lựa chọn các doanh nghiệp có hàng hóa cụ thể, đầy đủ thông tin để hỗ trợ và đồng hành trong các buổi xúc tiến, giao thương sâu hơn với đối tác Nga” - bà Nguyễn Thị Thanh nói.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt tìm hiểu thị trường Liên bang Nga, tìm kiếm đối tác kinh doanh, Tham tán thương mại tại Liên bang Nga Dương Hoàng Minh nêu rõ, thời gian tới các thương vụ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin, kết nối giao thương doanh nghiệp 2 nước.
Có thể nói, Liên bang Nga vẫn đang là thị trường đầy tiềm năng, nhưng muốn khai thác có hiệu quả, đòi hỏi doanh nghiệp Việt ngoài việc đảm bảo chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm cần đẩy mạnh hoạt động tìm hiểu thị trường nước sở tại thông qua hoạt động xúc tiến thương mại. Có như vậy mới đẩy mạnh được xuất khẩu và đưa hàng Việt có chỗ đứng tại thị trường Liên bang Nga.
Mặc dù Thương vụ đã kết nối cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng nông sản vào chuỗi siêu thị của Liên bang Nga, song số lượng hàng Việt có mặt tại hệ thống bán lẻ không nhiều. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa thể cung cấp hàng với số lượng lớn ổn định và dài hạn. Để khắc phục bất cập này qua đó xuất khẩu sang thị trường Nga một cách ổn định, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược, xây dựng hệ thống cung ứng hàng tại nước sở tại để cung cấp cho các chuỗi siêu thị. Tham tán thương mại tại Liên bang Nga Dương Hoàng Minh |