Làm gì để giảm án tử hình oan?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, trên cả nước nói chung vẫn còn xảy ra tình trạng án oan sai. Đặc biệt, oan sai trong việc áp dụng hình phạt tử hình, nhất là trường hợp đã thi hành án, thì không còn khả năng khắc phục sai lầm.

Do vậy, để khắc phục tình trạng án oan sai, trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) lần này, Bộ Tư pháp – cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật tiếp tục đưa ra phương án đề xuất hạn chế áp dụng hình phạt tử hình.

Hình phạt tử hình được quy định tại 29/195 tội danh của BLHS năm 1985, chiếm tỷ lệ (14,85%). Tuy nhiên, qua 4 lần sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 1989, 1991, 1992, 1997) thì số lượng các tội danh có quy định hình phạt tử hình tăng từ 29 tội danh lên 44 tội danh, chiếm khoảng 20,64% (44/218 tội danh). Đến BLHS năm 1999, hình phạt tử hình được quy định tại 29/263 tội danh, trong đó, nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia có số lượng tội danh quy định hình phạt tử hình cao nhất (7 tội danh); các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và các tội xâm phạm sở hữu, mỗi nhóm có 2 tội. Còn lại 7 nhóm tội khác thì hình phạt tử hình phân bố đều cho các nhóm, mỗi nhóm có 3 tội danh có quy định hình phạt tử hình. Như vậy, so với BLHS năm 1985 (qua 4 lần sửa đổi, bổ sung) thì số lượng các tội danh có quy định hình phạt tử hình trong BLHS năm 1999 đã giảm xuống đáng kể, chỉ còn 29 tội danh, ngang với số lượng tội danh có quy định của BLHS năm 1985.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: “Muốn xây dựng BLHS hướng thiện (nhân đạo hóa) thì một trong 3 hướng lớn là nghiên cứu hạn chế điều luật có hình phạt tử hình. Chúng ta đã hai lần hạn chế, từ 44 tội xuống còn 29, BLHS năm 2009 xuống còn 21 tội có hình phạt tử hình, tới đây, chúng ta còn hạ nữa để phù hợp xu hướng chung”. Việc nghiên cứu đề xuất hoàn thiện quy định của BLHS về hình phạt tử hình theo hướng tiếp tục hạn chế việc quy định hình phạt tử hình trong BLHS cũng như hạn chế khả năng áp dụng và thi hành hình phạt tử hình trên thực tế nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp. Đồng thời, tăng cường bảo vệ quyền con người và quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tại Dự thảo Luật lần này, Bộ Tư pháp đưa ra 3 phương án cho quy định về hình phạt tử hình. Phương án 1: Giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể là, giữ nguyên số tội danh quy định hình phạt tử hình của BLHS là 29/272 tội danh và giữ nguyên các điều kiện áp dụng quy định tại Điều 35 của BLHS.Phương án 2: Nghiên cứu đề xuất giảm hình phạt tử hình và hạn chế khả năng áp dụng hình phạt này theo hướng đề xuất loại bỏ hình phạt tử hình đối với 10 trong số 22 tội danh có quy định hình phạt tử hình và sửa đổi, bổ sung Điều 35 của BLHS.Phương án 3: Nghiên cứu đề xuất giảm hình phạt tử hình và hạn chế khả năng áp dụng hình phạt này theo hướng đề xuất loại bỏ hình phạt tử hình đối với 8 trong số 22 tội danh có quy định hình phạt tử hình. Sửa đổi, bổ sung Điều 35 của BLHS và điều chỉnh về mặt kỹ thuật lập pháp trong việc quy định hình phạt tử hình đối với từng tội danh cụ thể nhằm hạn chế áp dụng hình phạt tử hình.

Qua phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án, Bộ Tư pháp đánh giá phương án 3 là đảm bảo tính khả thi và phù hợp với chủ trương, tinh thần của cải cách tư pháp, quan điểm về bảo vệ quyền con người của Nhà nước ta và xu hướng chung của thế giới. Do đó, theo Bộ Tư pháp, phương án 3 có khả năng là phương án tối ưu để lựa chọn.

Hy vọng rằng, lần sửa đổi BLHS này sẽ xóa được tình trạng án oan sai, đem lại công bằng cho tất cả người dân.