Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm gì để hàng Việt trụ vững trước các FTA?

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đã ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam gia tăng xuất khẩu, song hàng Việt cũng đối mặt không ít thách thức khi phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác.

Người tiêu dùng mua hàng Việt tại Phiên chợ Việt tổ chức tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Lê Nam
Cơ hội và thách thức song hành
Tại diễn đàn “Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới” do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chỉ rõ: Các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng, việc tham gia các FTA góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, DN Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức khi hàng hóa của các quốc gia khác sẽ tăng nhập khẩu vào Việt Nam thông qua ưu đãi thuế quan. Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) Nguyễn Hải Minh cho biết: Ước tính, đến năm 2035, hàng xuất khẩu của EU sẽ tăng khoảng 29%, tương đương khoảng 15 tỷ Euro. “Nếu chỉ tính riêng với hàng hóa từ EU vào Việt Nam đã tạo ra mức độ cạnh tranh rất lớn cho hàng Việt tại nội địa, chưa kể hàng hóa từ các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam” - ông Minh nói. Nói về những khó khăn DN gặp trong quá trình thực thi FTA, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nêu rõ: Thời gian tới ngành thực phẩm sẽ phải cạnh tranh rất lớn với hàng nhập khẩu từ EU, đặc biệt là các mặt hàng trái cây. Dược phẩm cũng được đánh giá là một ngành chịu áp lực cạnh tranh cực lớn khi các hiệp định FTA thế hệ mới có hiệu lực tại Việt Nam.

Không chỉ có vậy, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông: Mặc dù các hiệp định FTA mang lại lợi ích cho DN Việt khai thác thế mạnh của mình qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng thực tế cho thấy việc nắm bắt những lợi ích này chủ yếu là DN FDI. Minh chứng, khu vực DN tư nhân Việt Nam chỉ đóng góp chưa đến 10% GDP trong khi khu vực FDI đóng góp khoảng 22 - 23% GDP. Nguyên nhân là do 96% DN Việt là nhỏ và siêu nhỏ, thực lực yếu và non kém về công nghệ nên có sự hạn chế trong nhận thức, chưa có tư duy chiến lược để tận dụng được thời cơ từ các FTA mang lại.

Nâng chất lượng để tăng sức cạnh tranh

Để hàng Việt có thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu trong quá trình thực thi FTA, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Nâng cao sức cạnh tranh thông qua chất lượng hàng hóa là giải pháp quan trọng.

Giám đốc thương hiệu Giovani Group Lương Hữu Lâm cho rằng: Mặc dù hàng ngoại tràn vào Việt Nam đã tạo ra áp lực cho DN Việt, nhưng nhìn ở góc độ tích cực đây chính là động lực buộc DN phải nỗ lực chinh phục người tiêu dùng chứ không phải "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nữa mà là "Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng". Đồng tình với ý kiến này, TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ nhận định: Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, thị trường nội địa với 100 triệu dân đã chứng minh vai trò không thể thay thế, khi doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn duy trì tăng trưởng hai con số. Điều này cho thấy, sức mua dồi dào trong nước sẽ tiếp tục giúp DN tăng trưởng trong tương lai.

Tuy nhiên ngoài việc cải tiến về chất lượng, mẫu mã, thương hiệu, giá cả, theo Phó Chủ tịch UB T.ƯMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh: DN Việt cũng cần chủ động hợp tác, liên kết sản xuất giữa DN, hợp tác xã và người nông dân, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối... qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận sản phẩm chính là mấu chốt để hút khách hàng trước áp lực cạnh tranh từ hàng hóa ngoại.

Ý kiến của chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý cho thấy, để có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập trên “sân nhà”, DN Việt cần phải đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải đạt chất lượng cao, giá thành hạ... như vậy mới đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại, chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Thời gian tới, Nhà nước cần có thêm cơ chế, chính sách khuyến khích DN phát triển vệ tinh trong nước, thay vì phải nhập khẩu linh kiện, sản phẩm của nước ngoài. Ngoài ra, các DN cần nắm bắt xu thế, tâm lý để đáp ứng nhu cầu khách hàng ngay tại thị trường nội địa, nâng cao tính cạnh tranh khi hàng hóa nước ngoài nhập khẩu ngày càng nhiều theo các hiệp định thương mại.

Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừaViệt Nam Tô Hoài Nam