Vì sao buôn bán động vật hoang dã có “đất sống”?
Theo ông Bùi Đăng Phong - Phó Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp (WWF), buôn bán động vật hoang dã là hoạt động trái phép ước tính trị giá 20 tỷ USD mỗi năm. Những năm qua, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến của buôn bán động vật hoang dã, bởi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm (bao gồm cả của các quốc gia lân cận) là rất lớn.
Đánh giá về tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật rất nóng hiện nay, ông Bùi Đại Phong cho rằng, nguyên nhân chính là bởi hoạt động này có rủi ro thấp nhưng lại cho lợi nhuận rất cao. Điều này vô hình chung khiến động vật hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm đứng trước nguy cơ rơi vào bờ vực tuyệt chủng.
Theo Bộ NN&PTNT, phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện môi trường là một trong những mục tiêu quan trọng được Thủ tướng Chính phủ cam kết tại sự kiện COP26 cũng như trong các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết với cộng đồng quốc tế.
Trên tinh thần đó, Bộ NN&PTNT và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã ký kết, phê duyệt triển khai Dự án “Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp”; với mục tiêu hướng đến tăng cường sự lãnh đạo của Việt Nam trong giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trái pháp luật.
Tăng cường vai trò của các phóng viên
Chia sẻ tại hội thảo “Tăng cường sự tham gia của phóng viên, nhà báo trong phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật” tổ chức ngày 13/6, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Lê Trọng Đảm, cho biết một trong những nội dung trọng tâm của Dự án là kiện toàn, mở rộng, phát triển mạng lưới phóng viên điều tra về tội phạm động vật hoang dã, thúc đẩy nỗ lực của khối nhà nước, tư nhân trong đấu tranh chống buôn bán động vật hoang dã nhằm phát hiện, đưa tin về tội phạm động vật hoang dã.
Ngày 13/6, Văn phòng Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp (WWF) và báo Nông nghiệp Việt Nam đã giới thiệu và thành lập Mạng lưới phóng viên điều tra buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Nhiều phóng viên đã cam kết tham gia mạng lưới này...
Tham gia mạng lưới, các nhà báo, phóng viên điều tra về tội phạm động vật hoang dã sẽ được đào tạo, tập huấn, hỗ trợ từ các tổ chức, các chuyên gia các kiến thức, kinh nghiệm điều tra về hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật, đặc biệt là động vật hoang dã nguy cấp. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho đội ngũ nhà báo, phóng viên lĩnh vực nông nghiệp về khung pháp lý, chính sách về bảo tồn động vật hoang dã.
“Mạng lưới sẽ là cơ quan kết nối, phối hợp với các nhà báo, phóng viên trong việc điều tra, viết bài và đăng tải các bài báo, phóng sự truyền hình, chuyên đề, ấn phẩm trong việc đấu tranh với hành vi buôn bán, vận chuyển và sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật. Qua đó, hỗ trợ đắc lực và hiệu quả chiến dịch truyền thông ‘Nói không’ với hành buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật trong toàn xã hội tại Việt Nam…” - ông Lê Trọng Đảm cho hay.
Để phòng, chống buôn bán động vật hoang dã, bên cạnh phát triển và nhân rộng mạng lưới phóng viên điều tra về tội phạm động vật hoang dã, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, cần có những tiếp cận chiến lược. Đặc biệt là những cam kết hỗ trợ của nhà lãnh đạo các cấp, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội. Bên cạnh đó là tăng cường thực thi pháp luật phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã, và giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp.