Kỹ năng thoát nạn
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết: “Sống ở tầng cao không có nghĩa là bạn sẽ nguy hiểm hơn khi có cháy xảy ra. Các căn hộ cao tầng có tường, trần, và cửa chống lửa sẽ giúp chặn lửa và khói lại. Hầu hết các kế hoạch thoát hiểm không khác gì nhà ở mặt đất.
Việc đầu tiên để thoát nạn khi xảy cháy là bình tĩnh, tìm lối thoát hiểm bộ, tuyệt đối không dùng thang máy vì bạn có thể bị kẹt lại khi mất điện. Dùng chăn, áo thấm nước choàng lên người và bịt mũi để phòng khói ngạt, độc, lửa cháy lan trên cơ thể”.
Lực lượng Cảnh sát PCCC hướng dẫn ngăn khói vào phòng bằng cách dán băng dính toàn bộ khe cửa nhà, phòng |
Để an toàn cho chính bản thân, mỗi khi sinh sống hay bước chân vào một ngôi nhà cao tầng, nhiều tầng, việc đầu tiên ta cần phải để ý xem cầu thang bộ, cầu thang thoát nạn ở đâu. Có thể chúng ta đi bằng lối thang máy nhưng vẫn cần phải đưa mắt ra xung quanh chú ý đến vị trí đặt các phương tiện chữa cháy để khi xảy ra hỏa hoạn, các phương tiện này có thể giúp chúng ta thoát nạn như đèn EXIT; hoặc đôi khi các cuộn dây vòi nước vách tường tòa nhà chính là các dây làm vật dụng cứu nạn khi có hỏa hoạn. Bạn có thể dùng dây đó buộc vào nơi có thể để tụt theo dây xuống đất nếu độ cao đủ cho độ dài của dây vòi.
Khi có cháy dùng các thiết bị chữa cháy có sẵn dập tắt đám cháy khi còn chưa bùng phát lớn. Nếu không dập được cháy hãy đóng cửa phòng bị cháy lại nếu có thể hoặc vào phòng nơi không có lửa cháy đến đóng kín cửa, dùng băng dính dán hoặc vải vóc bịt toàn bộ khe cửa không cho khói bay vào và gọi thông báo cho lực lượng cứu nạn theo số 114 nói chính xác địa chỉ số phòng, số người, tầng mình đang mắc kẹt.
Trong trường hợp thoát nạn
Hầu hết, trong một đám cháy thì khói và khí độc sẽ làm chết người do ngạt và sau đó lửa cháy lan đến mới gây cháy người. Do vậy, việc cúi thấp người để thoát nạn như khom người, bò ra với tư thế mặt, mũi gần sát nền nhà sẽ an toàn hơn vì theo tự nhiên, khói bay lên cao.
Đã sinh sống trong nhà ở chung cư, tất cả người dân đều phải nắm rõ lối nào là lối thoát hiểm. Phụ huynh cũng phải dạy con mình tòa nhà có bao nhiêu lối thoát hiểm, làm thế nào để đi tới những lối thoát hiểm đó...
Không làm điều này khi thoát nạn
Tuyệt đối không cố thu những đồ có giá trị hay đi tìm vật nuôi trong nhà khi có hỏa hoạn.
Trước khi mở cửa, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa kiểm tra độ nóng, nếu thấy nóng thì tuyệt đối không mở bởi cháy đang ở bên ngoài, mở ra lửa sẽ tạt vào người hoặc cháy lan vào nhà. Tìm lối thoát nạn khác có thể.
Nếu không có khói hay lửa khi bạn mở cửa, hãy tiến thẳng đến cửa thoát hiểm nơi gần nhất của bạn.Trong khi đang tìm cách thoát nạn cùng người khác, hãy đi cùng nhau nếu có thể và không xô đẩy, chen lấn sẽ gây dẫm đạp lên nhau và hoảng loạn.
Việc thoát hiểm qua cửa chính dẫn ra ngoài nên là lựa chọn đầu tiên. Nhưng nếu có lực lượng cứu nạn cho phép hoặc có vật dụng thì có thể thoát nạn qua cửa sổ.
Nếu không may quần áo của bạn bắt lửa thì nhanh chóng hắt nước dập lửa nếu có, hoặc nhanh chóng lăn tròn dưới mặt sàn và không được đứng dập lửa sẽ gây cháy lan lên mặt.
Các bạn hãy nhớ, tuyệt đối không được chui gầm giường hay tủ quần áo để tránh lửa dù có sợ hãi, vì khi đó, sẽ rất khó khăn để lính cứu hỏa tìm ra bạn. Hãy nhớ rằng lính cứu hỏa và những người khác sẽ tìm bạn để giải thoát cho bạn. Họ tìm thấy bạn càng sớm, bạn sẽ ra ngoài được càng nhanh.
Một khi đã thoát được ra ngoài đám cháy, tuyệt đối không được tiếc đồ, tài sản, vật nuôi mà quay lại nơi đang cháy sẽ nguy hiểm đến tính mạng.