Làm gì để thị trường trái phiếu sớm ổn định?

TS Phan Văn Thường (Đại học Quốc tế Hồng Bàng)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN phát hành trái phiếu nếu lừa đảo phải nghiêm trị theo pháp luật. Nhà đầu tư cá nhân cả tin dốc hầu bao tích lũy kiếm lời rồi phải chịu thiệt hại. Nhưng về lâu dài các quy định pháp lý vận hành hệ thống tài chính cần sớm hoàn thiện.

Trái phiếu doanh nghiệp là một trong những kênh dẫn vốn chủ đạo của nền kinh tế. Ảnh: Việt Dũng
Trái phiếu doanh nghiệp là một trong những kênh dẫn vốn chủ đạo của nền kinh tế. Ảnh: Việt Dũng

Quy định pháp lý phát hành trái phiếu DN bộc lộ nhiều lỗ hổng

Để thực hiện Luật Chứng khoán ban hành ngày 29/6/2006, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 14/10/2011 Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN (TPDN). Mục đích để tạo điều kiện pháp lý cho các DN huy động vốn trung dài hạn và cũng để có thêm hàng hóa cho thị trường chứng khoán (TTCK) theo kinh nghiệm quốc tế. Tuy vậy bắt đầu từ năm 2016 một số DN mới tổ chức phát hành TPDN riêng lẻ, trong đó chủ yếu là TPDN ngân hàng.

Xu hướng quy mô phát hành TPDN sau đó tăng nhanh, ngày 4/12/2018 Chính phủ ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2019 thay thế Nghị định trước đó. Ngay tại Nghị định này, quy định điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ khá lỏng lẻo, không theo thông lệ quốc tế. Chính sự lỏng lẻo trong điều kiện phát hành nên từ năm 2019 TPDN riêng lẻ bắt đầu bùng nổ. Là giảng viên đại học chuyên ngành tài chính, tôi quan sát liên tục diễn biến trên thị trường TPDN và đã phát hiện nhiều lỗ hổng trong quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP.

Chính vì vậy các lỗ hổng về quy định điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ cần thắt chặt kiểm soát để thị trường TPDN phát triển lành mạnh”. Cụ thể lỗ hổng thứ nhất, DN phát hành trái phiếu không phải định mức tín nhiệm, hoàn toàn trái ngược thông lệ quốc tế. Thứ hai là DN không phải công bố thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng và internet, buộc nhà đầu tư đơn phương tự đánh giá rủi ro. Thứ ba, không quy định tài sản bảo đảm của DN hoặc bảo lãnh thanh toán. Thứ tư là không quy định quy mô vốn huy động…

Thực tế cho thấy khả năng vỡ nợ TPDN riêng lẻ là rất cao vì các DN bất động sản (BĐS) lạm dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư và đầu cơ bất động sản, thâu tóm dự án và sử dụng vốn vay không thể kiểm soát được. TPDN đã bị phát hiện rủi ro vừa qua và rủi ro chưa bị phát hiện chủ yếu DN phát hành theo quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP nói trên.

Từ ngày 1/1/2021, TPDN điều chỉnh theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Nghị định mới này quy định điều kiện phát hành theo hướng chặt chẽ hơn nhưng không nhiều, có quy định dường như chỉ là hình thức. Chẳng hạn quy định DN phải công bố thông tin nhưng khoảng thời gian công bố chỉ cần trước ngày phát hành trong thời gian 1 ngày làm việc. Cách quy định như vậy gọi là cho có đã quy định và bản chất là né trách nhiệm pháp lý.

Không phải chỉ trái phiếu An Đông, trái phiếu Tân Hoàng Minh mà một số trái phiếu khác đang đứng trước nguy cơ rủi ro cao. DN lừa đảo hay vi phạm pháp luật phải được xử lý bằng pháp luật thật nghiêm minh. Nhưng cũng phải khẳng định rằng lỗ hổng pháp lý vận hành TTCK là mở đường, thậm chí là tiếp sức. Trách nhiệm này trước hết là của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong tham mưu xây dựng quy định pháp luật và vai trò giám sát thị trường.

Cần sớm giải quyết để ổn định thị trường

Ổn định bây giờ không phải là lấy nguy cơ rủi ro cao hơn để giải quyết rủi ro hiện tại, xử lý đổ bể phạm vi hẹp nhưng loang ra thành hệ thống. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có một cái “đầu lạnh” nói không với việc bổ sung room tín dụng vào thị trường BĐS lúc này. Nếu bị áp lực mà run tay không chỉ nguy hiểm cho NHNN đang gồng chính sách để chống đỡ lạm phát mà đẩy các ngân hàng cho vay vào vòng xoáy vỡ nợ của DN BĐS.

Ổn định trước hết là ổn định lòng tin của xã hội đối với hệ thống tài chính nói chung và lòng tin của hàng nghìn nhà đầu tư cá nhân đã cả tin đổ tiền mua trái phiếu DNBĐS nói riêng. TPDN Tân Hoàng Minh và An Đông phát hành không kèm chứng quyền, không có bảo lãnh thanh toán. Giả sử loại trái phiếu này có tài sản bảo đảm đi chăng nữa thì hiện tại cũng không có cách gì để giải quyết quyền lợi cho trái chủ của nó vì tài sản công ty đang bị kê biên theo vụ án đã khởi tố. Điều tra một vụ án phức tạp khó rút ngắn thời gian được.

Trong điều kiện vận dụng được pháp luật, cơ quan điều tra nên cho phép ngừng kê biên một số tài sản nào đó và cho phép đại diện nhà phát hành tìm phương án bán để hoàn trả tiền cho trái chủ. Mặt khác, ở đây cũng cần khẳng định các đơn vị tư vấn và phân phối trái phiếu hoàn toàn không phải vô can. Bởi họ là thành viên trong dây chuyền phát hành trái phiếu, tất nhiên họ cũng có nghĩa vụ liên đới, đó là chưa kể đến những “chiêu lùa gà” thông qua tư vấn cho nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu không trung thực hoặc thiếu thông tin.

Ở đây như Công ty Chứng khoán Tân Việt hay Ngân hàng SCB nên trích một ngân khoản tạm đặt tên “ Quỹ tạm ứng xử lý rủi ro nghiệp vụ” để thanh toán trước hết là tiền lãi định kỳ và có thể là một tỷ lệ tiền gốc trái phiếu cho trái chủ. Quỹ này sẽ được bồi hoàn sau một thời gian nào đó từ nguồn lợi nhuận trước thuế và tiền hoàn trả của nhà phát hành. Đương nhiên, riêng đối với Ngân hàng SCB hiện đang bị kiểm soát đặc biệt bởi NHNN, vì vậy cơ chế trích quỹ này phải có ý kiến của NHNN.

Theo thông tin báo chí quả thực nhiều DNBĐS gần như bên bờ vực vỡ nợ hoặc sẽ phá sản. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 chưa thống kê đầy đủ nhưng đã có ít nhất 32 công ty tăng trưởng lợi nhuận. Vấn đề khó khăn của DNBĐS lúc này là dòng tiền chứ không phải thua lỗ. Hốt hoảng nhất của một số công ty là chưa tìm ra nguồn tiền để hoàn trả trái phiếu đáo hạn từ nay đến cuối năm và sang năm 2023. Nhưng rõ ràng khi tài sản đất đai, dự án dở dang đang rất lớn của DN tất yếu họ sẽ tìm cách hoán đổi thành tiền không mấy khó khăn. Đương nhiên họ phải biết hy sinh lợi nhuận.

Được biết, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch thanh tra hoạt động phát hành TPDN trong năm 2023. Thiết nghĩ việc này cần tiến hành sớm hơn, trước hết đối với DNBĐS có nghi ngờ rủi ro cao. Thanh tra sớm nếu phát hiện vi phạm thì tìm phương án xử lý quyền lời cho trái chủ vẫn tốt hơn muộn.