Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm gì để tránh oan sai trong các vụ án hình sự?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, chủ đề làm gì để tránh oan sai trong các vụ án hình sự làm "nó...

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, chủ đề làm gì để tránh oan sai trong các vụ án hình sự làm "nóng" công luận. Trong đó, Điều 28, Thông tư số 28/2014 quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an Nhân dân, nhiều người lo ngại việc cho phép công an cấp xã thực hiện "vẽ sơ đồ, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan" được cho là có thể ảnh hưởng đến kết quả điều tra. Ngoài ra, quy định trực tiếp quyền im lặng vào Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) trong điều kiện hiện nay cũng được các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.

Có nên tăng quyền cho công an xã?

Tại một cuộc họp gần đây, đại diện VKSND Tối cao cho rằng, Bộ luật TTHS 2003, Pháp lệnh Điều tra hình sự 2004 không quy định cho công an xã tham gia các hoạt động TTHS. Ngoài ra, việc giao công an xã có trách nhiệm "lấy lời khai" cũng không phù hợp với khoản 6 Điều 9, Pháp lệnh Công an xã 2008 quy định công an xã có nhiệm vụ "lấy lời khai đối với người bị hại, người biết vụ việc". Việc Thông tư 28 quy định "lấy lời khai" nói chung, không gắn với đối tượng nêu trên có thể dẫn tới việc mở rộng đối tượng lấy lời khai.
Các bị cáo tại phiên toà xét xử 4 công an viên xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) có sai phạm trong quá trình điều tra.
Các bị cáo tại phiên toà xét xử 4 công an viên xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) có sai phạm trong quá trình điều tra.
 
Trao đổi với phóng viên, TS Đỗ Thị Phượng - Trưởng bộ môn Khoa học điều tra tội phạm và giám định tư pháp, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, các công việc mà công an cấp xã thực hiện như bảo vệ hiện trường, lấy lời khai ban đầu, bắt quả tang vẫn là việc công an cấp xã được phép làm nên không trái với Bộ luật TTHS. Khi xảy ra sự việc, nếu không vẽ sơ đồ hiện trường, bảo vệ hiện trường thì dấu vết có thể sẽ bị xóa mất do những điều kiện khách quan. Những hoạt động này giúp cơ quan có thẩm quyền thuận lợi hơn trong hoạt động điều tra, nhằm mục đích kịp thời phát hiện tội phạm, truy tìm dấu vết. Đồng quan điểm này, Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: Việc sử dụng nhục hình trong quá trình điều tra là hành vi vi phạm pháp luật, không điều luật nào cho phép sử dụng hành vi này. Bên cạnh đó, xét về nguy cơ sử dụng bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra thì có thể xảy ra ở các cấp chứ không chỉ ở công an cấp xã. 

Về phía Bộ Tư pháp, ông Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính cho biết, điều này phù hợp với Bộ luật TTHS bởi quy định "lấy lời khai" cũng không mở rộng hơn so với quy định "lấy lời khai đối với người bị hại, người biết vụ việc" của Pháp lệnh vì khi chưa bị khởi tố, truy tố (chưa là bị can, bị cáo) thì nghi phạm cũng không nằm ngoài "người biết việc". Điều này nhằm mục đích bảo vệ hiện trường ban đầu, đáp ứng thực tế điều tra tránh việc xóa dấu vết. Quan điểm của Bộ Tư pháp là thông tư mới được ban hành cần có thời gian đưa vào thực tế để có đánh giá hợp lý. 

Còn nhiều ý kiến về quyền im lặng

Về quyền im lặng, tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp mới đây, ông Trần Văn Dũng nêu quan điểm, khả năng đáp ứng trợ giúp pháp lý ở Việt Nam còn nhiều bất cập, đội ngũ luật sư còn ít nên nếu quy định trực tiếp quyền im lặng vào Bộ luật TTHS cần phải cân nhắc. Theo ông Dũng, Bộ luật TTHS hiện hành dù chưa ghi nhận trực tiếp quyền im lặng nhưng đã đề cập đến. Như vậy, ở góc độ nào đó, quyền im lặng đã được quy định trong Bộ luật TTHS nhưng không quy định trực tiếp.

Tuy nhiên, TS Tạ Thị Minh Lý - nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, quyền im lặng gắn với nguyên tắc suy đoán vô tội, quyền được pháp luật bảo hộ và quyền con người trong quy định của Hiến pháp. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, chỉ khi bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật thì người đó mới là người có tội, còn nếu chưa có bản án thì họ vẫn là người vô tội, các quyền vẫn được pháp luật bảo hộ. Và đã là quyền của công dân thì cần quy định trực tiếp. Theo TS Tạ Thị Minh Lý, với tình trạng người dân còn thiếu kiến thức về pháp luật như hiện nay, quyền im lặng bảo đảm người dân không trả lời thiếu chính xác, đầy đủ cho đến khi có luật sư, người bào chữa…

Về ý kiến lo ngại đội ngũ luật sư còn còn hạn chế và có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với số lượng bị can, bị cáo và các luật sư thường phân bổ tập trung tại các TP lớn, TS Tạ Thị Minh Lý cho rằng, hoàn toàn có thể sử dụng đội ngũ Bào chữa viên Nhân dân. Đây chính là nguồn nhân lực dồi dào bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Các quy định của pháp luật cũng đã quy định đầy đủ về việc này. Tại Khoản 4, Điều 31, Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Bộ luật TTHS 2003 cũng quy định rõ: Người bào chữa có thể là Luật sư; Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc Bào chữa viên Nhân dân. Ngay Bộ Công an cũng đã có Thông tư 11/2011 quy định về việc cấp giấy phép tham gia tố tụng cho Bào chữa viên Nhân dân. Như vậy, đã có đủ thể chế để thực hiện quyền im lặng.