Làm gì để xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt kim ngạch 10 tỷ USD

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023, ngành thủy sản phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thực chất và kịp thời.

Hiện hữu nhiều khó khăn, thách thức

Theo báo cáo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhiều khó khăn, thách thức đang ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành này.

Năm 2023, ngành thủy sản phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Ảnh minh họa
Năm 2023, ngành thủy sản phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Ảnh minh họa

Cụ thể, bước sang năm 2023, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước khiến cho lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản giảm từ 20 - 50%, lượng tồn kho tăng. Thị trường khó khăn, sản xuất nguyên liệu trong nước bị chững lại.

Chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao cùng với sự tăng giá bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công… trong khi thủy sản Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nước Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn.

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản khai thác gặp nhiều khó khăn để có thể xuất khẩu được lô sản phẩm hải sản vào EU do còn nhiều bất cập theo quy định IUU (Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).

Trong bối cảnh khó khăn này, quý I/2023 xuất khẩu thủy sản sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,8 tỷ USD và giảm sâu ở tất cả các sản phẩm và thị trường chính.

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe nhận định, với diễn biến này, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý III/2023. Tập trung lớn nhất hiện nay là sản xuất, chế biến trong nước phải sẵn sàng nguồn cung ứng ngay khi thị trường hồi phục.

Dây chuyền chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh minh họa 
Dây chuyền chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh minh họa 

Trước diễn biến hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang chủ động tìm kiếm cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục trở lại. Điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm.

Cùng với đó, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu cho các thị trường nhằm tận dụng năng lực chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu và duy trì việc làm ổn định cho người lao động.

Mặt khác, tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế, tham gia các chương trình giao thương B2B tìm kiếm đối tác, tăng đơn hàng.

Thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để vượt khó khăn, rào cản, quan trọng là doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là thuế xuất nhập khẩu.

 

Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu trong nước thông qua việc mở rộng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; dẫn dắt chuỗi liên kết giá trị giữa nông ngư dân và doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tại hội nghị làm việc với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ  Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục thẻ vàng IUU của Liên minh châu Âu.

Bộ cần tiếp tục tổ chức điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản để làm cơ sở cho quản lý, phát triển thủy sản bền vững; quan tâm, hỗ trợ để tăng đầu tư hạ tầng nghề cá, đáp ứng được yêu cầu chống khai thác IUU.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, nhất là xử lý các vụ kiện, tranh chấp thương mại.

Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh trong đó có lĩnh vực thủy sản là ưu tiên.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng và sản xuất giống thuỷ sản tập trung. Đồng thời, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, kết hợp khoa học công nghệ trong phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; quản lý tốt nguyên liệu vật tư đầu vào theo các quy định.

Song song đó, xây dựng các vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh; triển khai chương trình quốc gia giám sát dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.