Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm giàu nhờ cây phát lộc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình đều có một bình cây phát lộc tươi xanh, tượng trưng cho mong ước năm mới nhiều tài lộc.

Bởi thế, từ đầu tháng Chạp, nhiều nông dân xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ lại tất bật chăm sóc, tỉa lá cho những ruộng cây phát lộc để phục vụ nhu cầu tiêu dùng.Đến xã Tích Giang thời điểm này, xen lẫn những ruộng ngô, cây cảnh là những ruộng phát lộc tươi xanh được che chắn cẩn thận bằng lưới đen.
 
Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng phát lộc xanh mướt với những thân cây thẳng tắp của gia đình, anh Khuất Văn Tuấn, thôn Bồ Vàng, xã Tích Giang phấn khởi chia sẻ: “Đây là loại cây làm giàu của nhiều hộ gia đình tại xã.
 
Làm giàu nhờ cây phát lộc - Ảnh 1
 
Dự tính, ruộng cây phát lộc của anh Khuất Văn Tuấn cho thu lãi khoảng 18 triệu đồng.    Ảnh: Quang Thiện
 
 
Gia đình tôi trồng 1 sào cây phát lộc, ước tính cắt được 2 vạn cành. Với giá bán 1.200 – 1.400 đồng/cành, trừ chi phí, chúng tôi cũng thu lãi khoảng 18 triệu đồng trong dịp Tết”.Một trong những “đại gia” phát lộc của xã Tích Giang là anh Đỗ Hồng Tiến, thôn Thượng Phiêu với diện tích gần 1 mẫu. Anh Tiến cho biết, năm đầu tiên, mỗi sào trồng được khoảng 8.000 – 9.000 cây. Từ năm thứ 2, mỗi gốc cây lại đâm thêm mầm mới, số cành được nhân lên tới 2 vạn/sào.
 
Cây phát lộc trồng từ đầu năm, đến tháng 7 Âm lịch bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, vụ thu hoạch chính và được giá nhất là khoảng thời gian từ 20 tháng Chạp đến hết Rằm tháng Giêng. Với diện tích hiện có, mỗi năm anh Tiến thu được hơn 10 vạn cành phát lộc, cho thu nhập gần 200 triệu đồng.
 
Phát lộc là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu tư thấp. Giá cây giống khoảng 400 – 500 đồng/cây, có thể trồng 3 – 4 năm mới phải thay cây mới. Trong quá trình chăm sóc, chỉ cần chú ý che lưới đen để giảm bớt ánh sáng, giữ cho lá cây luôn có màu xanh, đồng thời phun nước tưới mỗi khi có sương muối để tránh cây bị vàng, táp lá.
 
Đặc biệt, phát lộc có đầu ra tương đối thuận lợi. Cứ đến vụ thu hoạch, thương lái từ Thái Bình lại đánh xe vào tận ruộng để thu mua. Ngoài ra, hiện nay một số hộ dân trên địa bàn xã Tích Giang như anh Kiều Cao Phong, Kiều Cao Long, thôn Đội Nhì đã đầu tư ô tô tải để thu mua chở cây phát lộc đi tiêu thụ tại chợ Quảng Bá (Tây Hồ).
 
Ông Kiều Lựu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tích Giang cho biết, trong vài năm trở lại đây, nhiều nông dân đã tận dụng diện tích đất sát khu dân cư, vườn nhà để trồng cây phát lộc. Đến nay, toàn xã có khoảng 4 – 5ha. Đây là cây trồng đang cho hiệu quả kinh tế cao, mỗi sào chăm sóc tốt có thể cho thu nhập tới 20 triệu đồng, cao hơn cấy lúa hàng chục lần.
 
Ông Kiều Lựu cho biết thêm, trong thời gian tới, xã Tích Giang chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh, trong đó có cây phát lộc để nâng cao thu nhập cho nông dân. Mới đây, xã đã tổ chức dạy nghề trồng hoa, cây cảnh cho 54 học viên nông dân, trong đó có 45 người đã được cấp chứng chỉ.