Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm giàu nhờ nuôi gà thả vườn an toàn sinh học

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hỗ trợ nông dân làm giàu, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình “Nuôi gà thả vườn an toàn sinh học (ATSH)”.

Sau 1 năm triển khai tại huyện Gia Lâm, mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao và đang được nhân rộng ở địa phương.
Tận dụng lợi thế vườn cây

Với mục đích hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế gia đình và đẩy mạnh phong trào chăn nuôi gà ATSH theo quy mô trang trại, năm 2016 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội giao cho Trạm Khuyến nông huyện Gia Lâm triển khai mô hình "Chăn nuôi gà thịt ATSH”. Mô hình được triển khai với quy mô 10.000 con gà Ri lai (tỷ lệ lai ¾ giống gà Ri) do 14 hộ nông dân thực hiện.

Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% con giống, 30% vật tư chăm sóc và còn được tập huấn các kỹ thuật chăm sóc gà thả vườn ATSH. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông còn hướng dẫn trực tiếp cho các hộ tham gia làm chuồng trại, chuẩn bị vườn thả, cách chăm sóc nuôi dưỡng theo từng giai đoạn, theo dõi lịch tiêm phòng đầy đủ và vệ sinh sát trùng trong suốt thời gian nuôi. Theo đó, khu vực nuôi gà thả vườn phải có hàng rào, lưới, tường bao quanh, xa khu dân cư. Trong quá trình nuôi phải tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi gà thịt ATSH từ khâu chọn giống, chuồng trại, thức ăn, phòng bệnh... nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.

Nguyễn Viết Nhã, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm chăm sóc đàn gà thả vườn của gia đình. Ảnh: Nga Nguyễn

Là một trong 14 hộ tham gia vào mô hình, anh Nguyễn Viết Nhã, thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm cho biết: Nuôi gà thả vườn theo hướng ATSH vừa tận dụng được diện tích mặt đất của vườn cây ăn quả, hơn nữa gà lại giúp bắt sâu cho cây trồng và phân gà có thể tận dụng để bón cây. Theo anh Nhã, kỹ thuật chăm sóc gà thả vườn rất đơn giản, gà ít bị bệnh nên giảm được chi phí thuốc thú y. Trong khoảng 2 tháng đầu anh sẽ cho gà ăn cám tổng hợp, sau đó thay thế hoàn toàn bằng cám ngô, cám gạo. Vì vậy thịt gà dai, ngon, giá thành cũng cao hơn các loại gà khác từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. “Lứa đầu tiên gia đình tôi chăn 1.000 con gà, với giá bán 150.000 đồng/kg, sau 4 tháng chăm sóc tôi lãi được 100 triệu đồng. Từ thành công của lứa đầu, hiện nay tôi tiếp tục phát triển đàn với tổng số là 1.500 con” – anh Nhã cho biết thêm.

Nhân rộng mô hình

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Gia Lâm Đỗ Thị Phương cho biết: Mô hình nuôi gà thả vườn ATSH đã góp phần đa dạng hóa các hoạt động nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo cho địa phương. Sau 1 năm triển khai, mô hình đạt được hiệu quả kinh tế cao, giống gà Ri lai rất phù hợp với điều kiện thả vườn ở địa phương. Trong quá trình nuôi không phát sinh dịch bệnh, tỷ lệ sống sót đạt trên 95%, trọng lượng gà trung bình 2,2 – 2,5kg/con.

Từ thành công của mô hình điểm, phong trào nuôi gà Ri lai thả vườn đã phát triển rộng ra toàn huyện Gia Lâm, có những xã hầu như 100% các hộ triển khai mô hình này. Mô hình cũng là tiền đề thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân, chuyển dần từ cách chăn nuôi gà nhỏ lẻ, truyền thống sang chăn nuôi gà theo hướng ATSH với quy mô đàn lớn. Qua đó, hạn chế dịch bệnh, bảo vệ đàn gia cầm, cung cấp thịt gia cầm sạch và đảm bảo VSATTP cho người tiêu dùng. Thành công của mô hình chăn nuôi gà thịt ATSH còn là tiền đề cho địa phương phát triển thành vùng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy nhiên, hiện nay đầu ra của sản phẩm vẫn đang là bài toán khó với người chăn nuôi. Người dân phải tự tìm các thương lái để tiêu thụ sản phẩm hoặc bán tại các chợ truyền thống. Vì vậy, giá cả thị trường bấp bênh và sản phẩm không được định đúng giá trị. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần có những chính sách phát triển rộng mô hình gắn với chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ, để đảm bảo thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, xây dựng nhãn hiệu riêng để đảm bảo giá trị của sản phẩm khi ra ngoài thị trường.