Hiệu quả kinh tế cao
Ông Nguyễn Văn Mười - chủ vườn bưởi 9 năm tuổi ở khu vực 7, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức chia sẻ: "Gia đình tôi có 2,5 sào trồng 80 gốc bưởi Diễn, mỗi năm cho thu hoạch 5.000 quả. Với giá bán trung bình từ 38.000 - 40.000 đồng/quả, trừ các khoản chi phí, mỗi năm thu lãi khoảng 150 triệu đồng". Không chỉ có thu nhập cao nhất nhì xã từ trồng bưởi, ông Mười còn nổi tiếng khắp vùng bởi "bí quyết" can thiệp kỹ thuật khiến vườn bưởi năm nào cũng trĩu trịt quả. Tương tự, hộ gia đình ông Nguyễn Danh Đỉnh, ở thôn 8, xã Cát Quế cũng có thu nhập ổn định hàng năm khoảng 90 triệu đồng nhờ trồng 25 gốc bưởi Quế Dương.
Toàn xã Cát Quế hiện có 65ha bưởi, trong đó có 45ha bưởi Quế Dương và 15ha bưởi Diễn. Năm 2014, sản phẩm bưởi Quế Dương được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể nên giá trị hàng hóa của sản phẩm đã tăng lên đáng kể. Ông Nguyễn Như Hảo - Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh bưởi Cát Quế cho biết, hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã đều có vườn trồng bưởi, hộ ít thì vài ba sào, hộ nhiều thì hàng mẫu. Chỉ tính riêng bưởi Quế Dương, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 150 - 200 tấn quả. Sản phẩm thu hoạch được bao nhiêu, thương lái đến tận vườn mua bấy nhiêu, không đủ cung ứng cho thị trường. "Với giá bán 30.000 đồng/kg, bưởi Quế Dương cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa" - ông Hảo cho biết.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn TP hiện có 2.700ha bưởi, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ. Sản lượng bưởi hàng năm đạt trên 40.000 tấn. Hiệu quả kinh tế đạt trung bình từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Trăn trở bài toán tiêu thụ
Hiện nay, cây bưởi được trồng nhiều tại các vùng đất bãi ven sông (Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức) và vùng đồi gò (Chương Mỹ, Sóc Sơn, Ba Vì). Qua khảo sát và đánh giá thực tế cho thấy, ở vùng đất bãi ven sông, cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất quả tương đối ổn định, chất lượng khá. Còn tại vùng đồi gò, cây bưởi cũng sinh trưởng, phát triển tốt nhưng năng suất không ổn định qua các năm và chất lượng quả chưa cao. Đáng nói, mặc dù sản xuất theo hướng hàng hóa với diện tích lớn nhưng vùng này chỉ trồng độc canh giống bưởi Diễn tôm vàng, trong khi giống bưởi này có sức sống hạt phấn kém, gặp thời tiết mưa kéo dài sẽ đậu quả kém, thậm chí là mất mùa.
Theo bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, bưởi có thời gian thu hoạch dài, từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau nên đáp ứng yêu cầu rải vụ tốt. Tuy nhiên, với sản lượng bưởi hàng năm lên tới 40.000 tấn thì việc đảm bảo đầu ra ổn định đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp Thủ đô. "Trung tâm kiến nghị TP, Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối với các DN, siêu thị để tiêu thụ sản phẩm bưởi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị" - bà Hòa cho biết.
Như vậy, không chỉ năng suất, chất lượng mà tiêu thụ cũng là bài toán khiến nông dân trăn trở, băn khoăn. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho nông dân, tránh tình trạng tư thương ép giá, TP cần tăng cường liên kết 4 nhà và trang bị kiến thức về thị trường cho nông dân. Được biết, thời gian tới, cùng với việc xây dựng mạng lưới quản lý chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bưởi, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục đưa công nghệ cao vào sản xuất bưởi. Cùng với đó, Sở tăng cường công tác đào tạo cán bộ, nâng cao kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi cho nông dân; tổ chức nhiều hội thảo, các chuyến tham quan mô hình thực tế để nông dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất...
Thăm mô hình trồng bưởi Diễn tại xã Cát Quế, huyện Hoài Đức. Ảnh: Ánh Ngọc
|
Hiện nay, Sở NN&PTNT đã hoàn thiện chương trình "Phát triển sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020" trình UBND TP phê duyệt. Như vậy, đến hết năm 2020, TP sẽ có trên 3.000ha bưởi an toàn, chất lượng cao, với bưởi Diễn là cây ăn quả chủ lực. Ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội |