Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm giàu từ dịch vụ giặt sấy tự động

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành nên dịch vụ giặt sấy tự động mang tên AFY của chàng kỹ sư điện tử Nguyễn Hữu Trọng đã khắc phục được những hạn chế của dịch vụ giặt sấy truyền thống, tạo sự thuận lợi, hài lòng nhất cho khách hàng.

Nhanh nhạy nắm bắt thị trường
Tốt nghiệp Đại học Sao Đỏ, chuyên ngành Điện tử công nghiệp, sau khi ra trường, Nguyễn Hữu Trọng vào làm việc cho một công ty nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Có một công việc ổn định và mức lương khá, tuy nhiên Trọng vẫn nung nấu ý định gây dựng sự nghiệp của riêng mình.
Sau khi tìm hiểu, anh nhận thấy nhu cầu giặt sấy của công nhân tại các khu công nghiệp khá cao. Tuy nhiên chưa có mô hình kinh doanh nào phù hợp với đặc thù công việc và điều kiện của những người công nhân, như khoảng cách, giá thành thấp, thời gian linh động.
Kỹ sư Nguyễn Hữu Trọng kiểm tra tại một điểm kinh doanh máy giặt sấy tự động. Ảnh: Phương Nga
Anh Trọng đánh giá, dịch vụ giặt sấy đã phát triển khá mạnh ở Việt Nam, tuy nhiên hầu hết các điểm giặt sấy đang hoạt động khá thụ động, khách hàng mang quần áo bẩn đến cửa hàng và phó thác cho nhân viên giặt giũ, mà không thể can thiệp vào quy trình giặt sấy. Từ đó tạo nên tâm lý lo lắng về chất lượng và kéo dài thời gian chờ đợi. Hiện nay cũng có một số đơn vị triển khai dịch vụ giặt sấy tự động, tuy nhiên họ lại đặt ở các cửa hàng cố định, nên vẫn không tối ưu hóa được tiện ích cho khách hàng.
Nắm bắt được nhu cầu này, Trọng đã có ý tưởng triển khai xây dựng một hệ thống giặt sấy tự động sử dụng thẻ từ thay cho tiền mặt, nhằm khắc phục những hạn chế của dịch vụ giặt sấy hiện nay. Để hiện thực hóa ý tưởng, Trọng phải bỏ thời gian gần một năm nghiên cứu thị trường và thuê một đơn vị thiết kế phần mềm điều hành. Đến cuối năm 2018, “đứa con tinh thần” mang tên AFY của Trọng chính thức được triển khai tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Toàn bộ quá trình vận hành của hệ thống được điều hành qua internet. Do đó, Trọng vừa duy trì công việc đang làm mà vẫn quản lý tốt dịch vụ giặt sấy tự động.
“Vì là đơn vị đi sau, nên tôi xác định mình phải tạo ra được sự khác biệt và ưu việt hơn so với những đơn vị đi trước thì mới có thể tồn tại và phát triển được” - anh Trọng cho hay. Theo đó, khi sử dụng dịch vụ, khách hàng sẽ được cấp một thẻ từ với mã số riêng, khi muốn giặt là, họ chỉ việc nạp tiền vào tài khoản và có thể chủ động sử dụng hệ thống máy giặt bất kỳ lúc nào. Tại đây, họ có thể tự động phân loại từng loại áo quần và đảm bảo rằng áo quần của mình không giặt chung với quần áo của người khác.
Tối ưu hóa chi phí và tiện lợi
Với phương châm đem đến sự hài lòng và tiện ích nhất cho khách hàng, Trọng tìm đến các nhà trọ nơi có đông công nhân, đặt vấn đề với nhà chủ cho lắp đặt các máy giặt tự động tại đó. Quyền lợi mà chủ nhà trọ được hưởng là % doanh thu khi bán thẻ nạp cho công nhân. Ngoài ra, việc được lắp đặt hệ thống giặt tự động cũng sẽ giúp nâng cấp chất lượng dịch vụ của khu trọ đó và thu hút đông khách hàng hơn. Vì thế mô hình này được các chủ nhà trọ rất đón nhận và hợp tác.
Với hình thức hợp tác này, Trọng đã thành công khi biến những người chủ trọ thành một "nhân viên" kinh doanh của mình. Ngoài ra, cửa hàng không mất tiền thuê địa điểm và chính những người chủ trọ cũng có trách nhiệm với thiết bị được đặt tại địa điểm của mình. Tiêu chí để Trọng chọn đặt máy giặt là những khu phòng trọ khép kín, có điều hòa, bình nóng lạnh đầy đủ. “Khi những đối tượng khách hàng có tư duy chọn nơi ở tiện nghi thì khả năng họ sử dụng dịch vụ giặt sấy sẽ cao hơn nhiều” - anh Trọng phân tích.
Nhờ được lập trình sẵn, các máy giặt hoạt động 24/24 giờ mà không cần nhân viên phục vụ, nên khách hàng được tự chủ hoàn toàn việc giặt giũ của mình, không mất nhiều thời gian chờ đợi hoặc phải hẹn giờ quay lại lấy đồ như ở các cửa hàng truyền thống. Thay vào đó, sau khi giặt xong hệ thống tự động nhắn tin về số điện thoại của khách hàng.
Hơn nữa, việc thanh toán không dùng tiền mặt nên tạo được lợi nhuận tối đa, tiết kiệm chi phí nhân công, mặt bằng. Do không mất tiền thuê nhân công, địa điểm nên chi phí giặt của AFY hiện nay khá thấp, chỉ 15.000 đồng/lần giặt (7,5kg). Sau một thời gian thử nghiệm, hiện nay hiệu quả mô hình đã được khẳng định, phù hợp với các khu nhà trọ. Có thể nhân rộng ra các khu công nghiệp trong cả nước, vì thế thị trường hoạt động và tiềm năng của mô hình là rất lớn.

Hệ thống giặt sấy tự động AFY đang có 10 địa điểm kinh doanh. Doanh thu tối đa mỗi máy có thể thu được là 300.000 đồng/ngày (trong đó lãi suất thu về là 40%). Mục tiêu trong năm 2019 của Trọng là nâng lên thành 200 điểm giặt sấy. Khi đó, lợi nhuận cũng sẽ được tăng theo cấp số nhân.