70 năm giải phóng Thủ đô

Làm giàu với “nông nghiệp bỏ túi”

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án MrVina.Farm in-pocket (nông nghiệp bỏ túi) của Giám đốc Công ty TNHH MrFarm Phạm Cao Kỳ không chỉ giúp người nông dân làm chủ trang trại, giảm bớt gánh nặng, nâng cao năng suất lao động mà còn góp phần nâng tầm nông sản Việt.

 Giám đốc Công ty TNHH MrFarm Phạm Cao Kỳ (bên phải). Ảnh: Phương Nga
Giảm gánh nặng cho nông dân
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng đất Quảng Nam đầy nắng gió, anh thanh niên Phạm Cao Kỳ hiểu hơn ai hết nỗi vất vả của người nông dân một nắng, hai sương quanh năm mà vẫn nghèo. Vì thế anh luôn khao khát sẽ tạo ra một sản phẩm có ích cho người nông dân, làm gia tăng giá trị cho nông sản Việt.
Sản phẩm nhắm đến phân khúc khách hàng có diện tích canh tác từ 2 - 10ha, với tổng vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng. CEO MrFarm ước tính tỷ suất sinh lợi của Mr Farm là từ 19 - 27% tùy theo dự án và kỳ vọng chiếm 60% thị trường mục tiêu trong vòng 2 năm (2018 – 2020).
Nhớ lại năm 2013 khi còn là Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển cho một công ty công nghệ Việt Nam, trong chuyến nghiên cứu thị trường nông sản, anh thường được tiếp xúc với nhiều hộ nông dân và nhận thấy hầu hết hộ dân đều làm theo lối thủ công, tự phát không theo quy trình chuẩn. Điều này làm giảm năng suất, chịu nhiều rủi ro, ngoài ra còn tốn thêm chi phí khi thuê nhân công ngoài. Hơn nữa, việc người nông dân không am hiểu quy trình nuôi trồng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, thiếu cơ sở khoa học đã làm cho chất lượng nông sản không cao, rớt giá trong nhiều năm.

Năm 2015, anh cùng hai cộng sự nghỉ việc để thành lập Công ty TNHH MrFarm và bắt tay nghiên cứu hệ thống nông nghiệp thông minh. Trải qua 3 năm nghiên cứu, tháng 10/2018, Kỳ và cộng sự đã cho ra sản phẩm mang tên MrVina.Farm in-pocket. Là sản phẩm ứng dụng công nghệ vi mạch, lập trình nhúng và lập trình máy tính vào sản xuất nông nghiệp, phục vụ nhu cầu cấp thiết cho việc chuẩn hóa quy trình nuôi, trồng cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình nuôi trồng. Mọi khâu đều được tự động hóa hoàn toàn, giám sát trang trại từ điện thoại. Vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, lại kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình nuôi trồng.

Dự án góp phần chuẩn hóa quy trình nuôi trồng và có thể liên kết được với các đơn vị sản xuất khác, giảm thiểu tác hại môi trường từ thuốc bảo vệ thực vật trên diện rộng. Đồng thời, tăng khả năng kiểm soát chất lượng kênh hàng hóa nông sản giúp thúc đẩy các địa phương sản xuất nông sản đặc trưng theo vùng.

Để nhà nông bớt khổ

Sau 4 năm bắt tay vào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Kỳ trải lòng: "Thời điểm tôi quyết định nghỉ việc để bắt tay vào nghiên cứu dự án dành cho nông nghiệp, nhiều người thân và bạn bè ngăn cản, cho rằng đây là một quyết định điên rồ. Bản thân tôi cũng tự nhận thấy con đường mình đi nhiều chông gai và khó khăn. Tuy nhiên, nếu ai cũng ngại khó, sợ khổ thì ngành nông nghiệp của nước ta sẽ không thể phát triển được và người nông dân sẽ mãi khổ. Vì thế đây tuy là việc khó nhưng cần phải làm".

Chia sẻ về những khó khăn trong ngày đầu khởi nghiệp, anh Kỳ cho biết: Một sản phẩm mới tung ra thị trường sẽ gặp nhiều con mắt e dè của người tiêu dùng. Để thuyết phục người nông dân, anh mang sản phẩm đến tận nơi chạy thử, để họ tự cảm nhận và tin tưởng sản phẩm. Nếu khách hàng đồng ý thì lắp đặt, còn không, anh Kỳ sẵn sàng đem hàng về.

Không chỉ cung cấp sản phẩm, MrFarm còn tư vấn giải pháp, cách xử lý vấn đề khi hộ dân gặp sự cố về cây bệnh hay bọ phấn, đảm bảo đầu ra chất lượng cho hộ dân. Ngoài hệ chuyên nông dành cho hộ dân nhỏ lẻ, anh và cộng sự đang nghiên cứu phát triển thêm hệ chuyên gia MrFarm Agri phục vụ cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp lớn, hoặc cho các kỹ sư nông học chuyên nghiên cứu về nông sản đặc biệt.

Điều mà CEO MrFarm kỳ vọng ở tương lai là người dân được ăn một đĩa rau chất lượng, không lo nhiễm thuốc, có truy xuất nguồn gốc, theo dõi từ lúc ươm mầm cho đến khi thu hoạch. “Muốn làm điều đó, tôi và đội ngũ của mình phải xây dựng hạ tầng thật vững, đó chính là hệ chuyên nông i4” – anh Kỳ thông tin.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Kỳ cho biết: MrFarm sẽ xây dựng một hệ sinh thái về công nghệ ứng dụng cho nền nông nghiệp nước nhà, các dòng sản phẩm đã được nghiên cứu và triển khai trên thực tế. Nhưng, đối với nền nông nghiệp nhỏ lẻ và manh mún như Việt Nam hiện tại thì việc đầu tiên cần làm là tham gia cùng nông dân xây dựng hạ tầng, chuẩn hóa quy trình nuôi trồng và liên kết chặt chẽ khu vực địa lý về nuôi trồng nông nghiệp. Song song đó, từng bước xây dựng kênh phân phối nông sản tươi sống để bà con nông dân an tâm đầu ra, tập trung sản xuất. Sau khi các thương hiệu nông sản vùng đủ mạnh, đủ an toàn và có thể nâng sản lượng mới mở rộng kênh phân phối quốc tế.