Làm mạnh hơn việc phân cấp, ủy quyền để giải quyết các vấn đề dân sinh

Thịnh An - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/6, Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy-HĐND-UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý 2/2023 đã xem xét vấn đề liên quan đến công tác cải cách hành chính và thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị.

Chủ trì Hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.

Cam kết để 100% người dân khai báo hồ sơ trực tuyến

Tại Hội nghị, dưới sự điều hành của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, các đại biểu đã làm rõ một số nội dung liên quan đến 2 nhóm vấn đề này.

Đối với công tác CCHC, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết: Số lượng thủ tục lĩnh vực tư pháp ở Hà Nội rất lớn, một ngày có thể lên đến 600 yêu cầu hồ sơ. Sở TT&TT đã phối hợp tích cực với Sở Tư pháp cùng nhà thầu, cam kết để người dân khai báo hồ sơ và cán bộ xử lý hồ sơ trực tuyến 100% trong tháng 6 này.

Để công tác chuyển đổi số có chuyển đổi đồng bộ hơn, Sở đã tham mưu UBND TP để ban hành các kế hoạch triển khai các nhiệm vụ dùng ngân sách Nhà nước. Mặc dù còn có những khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là về đội ngũ cán bộ, nhưng qua triển khai đều cho thấy rõ sự quyết tâm của các sở, ngành. Giám đốc Sở TT&TT tin tưởng công tác cải cách TTHC sẽ có bước tiến vững chắc và thực chất.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Sở LĐ-TB&XH là một trong những đơn vị được đánh giá thực hiện tốt công tác CCHC. Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hồng Dân cho biết, Sở quản lý một lực lượng lớn, đối tượng yếu thế là chủ yếu. Sở có khoảng 170 TTHC, trong đó có những TTHC liên thông các cấp. Mỗi ngày có khoảng 400-500 đối tượng người có công đến làm thủ tục trực tiếp tại Sở. Từ năm 2021 đến nay, Sở đã tham mưu UBND TP đã ban hành rà soát các TTHC, rút ngắn thời gian thực hiện, đơn giản hóa các thủ tục, đưa các thủ tục lên xử lý trên môi trường mạng…

Đại diện lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, quận được thành phố Hà Nội ghi nhận và đánh giá về mức độ hài lòng của người dân và chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 4 toàn thành phố. Các nội dung, lĩnh vực đều có kế hoạch triển khai cụ thể.

Quận đã cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân qua các hình thức qua cổng điện tử, niêm yết bảng tin, zalo. Cùng đó, nâng cấp các trang thiết bị mới, hiện đại tại bộ phận một cửa của các phường, đáp ứng tình hình hiện nay. Trong thời gian tới, quận tiếp tục tập trung số hóa các hồ sơ lưu trữ, tạo tiền đề quan trọng cho việc chuyển đổi số, nâng mức độ hài lòng của người dân.

Chưa đầu tư các trạm trung chuyển để thu gom rác

Đối với nhóm nội dung về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội, báo cáo với Hội nghị, đại diện quận Long Biên cho biết, quận đã thực hiện thu gom xử lý rác thải sinh hoạt theo hình thức cơ giới hóa đạt 95,8%. Quận đề xuất, cần có quy hoạch cấp quận, huyện để xử lý rác thải trung chuyển; xác định các vị trí thu gom rác thải, tạo điều kiện cho quận huyện để thực hiện nội dung này một cách triệt để.

Về xử lý rác thải rắn, quận Long Biên đề nghị thành phố cho phép quận triển khai thí điểm xử lý rác thải rắn ở vùng bãi để tránh trường hợp đổ trộm rác thải rắn. Ngoài ra, cần có chế tài xử lý đối với doanh nghiệp và người dân; có nghiên cứu giảm thải rác thải đầu vào, có như vậy kinh phí rác thải sẽ giảm thiểu rất nhiều. đề nghị TP có hướng dẫn xác định vị trí tạm cho điểm trung chuyển rác tại địa bàn.

Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng làm rõ một số nội dung về cải cách hành chính
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng làm rõ một số nội dung về cải cách hành chính

Còn tại huyện Ba Vì, hình thức thu gom rác thực hiện cơ giới kết hợp thủ công với khối lượng 110 tấn rác thải/ngày. Theo lãnh đạo huyện, trong công tác giải phóng mặt bằng mở rộng bãi rác, hiện còn 21 hộ gia đình đang sinh sống. Trong số các hộ này đã có những trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Huyện đề nghị thành phố xem xét, sớm hỗ trợ tài sản đối với các hộ này khi giải phóng mặt bằng. Đồng thời, huyện kiến nghị thành phố quan tâm bổ sung kinh phí cho dịch vụ xử lý rác phát sinh trên địa bàn cũng như trong quá trình vận chuyển đến bãi rác Nam Sơn.

Thảo luận tại Hội nghị, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân đề nghị thành phố triển khai thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, trong đó có một số nội dung quy định về trách nhiệm thực hiện gom rác phải phân loại tại gia đình; tính phí vệ sinh môi trường theo khối lượng.

"Theo quy định, việc thu phí vệ sinh môi trường tính theo khối lượng phải thực hiện chậm nhất trước 31/12/2024. Hiện đã có một số thành phố triển khai như Hải Phòng, Đà Nẵng, trong đó Đà Nẵng phân loại rác được 90%. Hà Nội còn 1,5 năm nữa để thực hiện nội dung này, với vai trò là đô thị đặc biệt, Hà Nội cần đi trước để thực hiện chứ không nên đợi hướng dẫn của Bộ TN&MT"- Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố phân tích.

Ngoài ra, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố cũng nêu một số nội dung về quy hoạch các điểm trung chuyển xử lý rác thải, tại Khoản 6 Điều 1 Quyết định 609/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc đầu tư các trạm trung chuyển để thực hiện thu gom rác nhưng chưa được triển khai. Bên cạnh đó, còn thiếu giải pháp công nghệ và thiết bị cho việc đầu tư, quản lý, vận hành các trạm trung chuyển rác nội thành và ngoại thành phù hợp với quỹ đất và hạ tầng kỹ thuật của các quận, huyện.

Đồng thời, cơ chế nghiệm thu thanh toán chi phí vận chuyển và xử lý rác theo khối lượng nghiệm thu tại nơi xử lý cuối cùng, cơ chế điều chỉnh giá chưa sát với thực tế, không khuyến khích được chủ đầu tư và các đơn vị vệ sinh môi trường áp dụng các biện pháp giảm thiểu khối lượng rác thải...

Đại biểu phát biểu tại hội nghị  
Đại biểu phát biểu tại hội nghị  

Cần rà soát toàn bộ quy hoạch về các điểm xử lý rác

Làm rõ những nội dung các đại biểu đã thảo luận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, việc rà soát toàn bộ quy hoạch, nhà máy rác, từng điểm tập kết rác, xử lý sơ bộ, trung chuyển rác... xuyên suốt, từ điểm nhỏ nhất đến điểm cuối cùng là cần thiết.

Đối với nội dung về thể chế, quan trọng nhất là chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ, cụ thể, các địa phương được phân công nhiệm vụ phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quyền mình được phân cấp. "Khi phân cấp, uỷ quyền rõ sẽ tránh được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Cần quan tâm thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng"- Phó Chủ tịch UBND thành phố nêu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, thành phố Hà Nội cơ bản đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, nhưng vẫn còn một số khâu, lĩnh vực có sự đan xen giữa các sở. Vì vậy, cần rà soát làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành để phân định rõ trách nhiệm, tránh tình trạng có lĩnh vực 5 sở, ngành cùng ký; tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ủy quyền hơn 700 TTHC, việc này đang đi đúng hướng. TP sẽ tiếp tục làm mạnh hơn công tác phân cấp, ủy quyền trong cải cách TTHC từ các sở, ngành xuống quận, huyện. Đối với quy chế, quy trình liên thông, quy trình ngoài TTHC, đây là khâu rất quan trọng, quyết định thời gian công sức của người dân và doanh nghiệp, cần tiếp tục hoàn thiện...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cũng đề nghị Sở TT&TT tham mưu ban hành quy chế chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các đơn vị. Với nội dung thực hiện chuyển đổi số, đề nghị Sở TT&TT cùng Văn phòng UBND TP ban hành quy chế hướng dẫn để các đơn vị thực hiện số hóa. Ngoài ra, cần sớm ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật để tạo điều kiện thu hút xã hội hoá đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin.