Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm mẹ đơn thân: Nước mắt chảy ngược

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từng câu chị nói như những nhát dao đâm vào tim tôi: “Chị không tốt đến mức mang tiền cho loại như em. Nếu là máu mủ của chồng chị, chị sẽ cho em tiền”.

25 tuổi, là mẹ đơn thân của đứa con trai gần 2 tuổi, cuộc sống của chị đã bao lần tưởng không còn đường để bước. Hơn một lần tôi tìm đến cái chết. Có lẽ số phận đã không đồng ý cho tôi kết thúc cuộc sống khi còn vướng nợ đời.
Tôi quen anh cách đây 3 năm tại một công trường ở Hà Nội. Lúc đầu cũng không nghĩ sẽ có thể yêu anh được. Anh hơn tôi 10 tuổi, cái tuổi đủ chững chạc, trưởng thành và có chút địa vị. Anh tán tỉnh tôi mỗi lúc có thể. Tôi cũng trải qua một vài mối tình nhưng đều không có kết quả đẹp. Mưa dầm thấm lâu, được gặp anh hàng ngày bỗng trở thành nhu cầu thiết yếu của tôi.
 Ảnh minh họa.
Đằng sau cái vẻ bất cần, tôi bắt đầu quan tâm tới gia đình riêng của anh. Anh không đẹp nhưng khá giỏi giang. Vợ anh là người làm kinh doanh, tính cách xuề xòa rất yêu chiều chồng. Thi thoảng chị qua công trường đón anh, tôi cũng nhìn trộm chị. Chị không xinh, cũng không ăn mặc đẹp dù hoàn cảnh cho phép. Tôi cũng biết chị đang bắt đầu mang thai đứa thứ 2. Cũng cùng thời điểm đó tôi mang trong mình giọt máu của anh. Không thể bỏ vợ vì vẫn còn nặng nghĩa, tôi cũng đã không nỡ dứt bỏ đứa con đang lớn dần trọng bụng mình. Gạt đi nước mắt, tôi quyết định bỏ đi thật xa và sinh con một mình. Nhưng cuộc sống của bà mẹ đơn thân đầy rẫy những khó khăn. Hơn 2 tuổi, đứa con trai của tôi liên tục ốm và cần tiền đi viện, tôi đã nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, bạn bè rất nhiều nên không thể nhờ hơn nữa. Tôi đã nhắn tin nhờ anh giúp tôi tiền để lo cho con. Chị đọc được các dòng tin kia. Từng câu chị nói như những nhát dao đâm vào tim tôi: “Chị nói thật chị cũng không tốt đến mức mang tiền cho loại như em. Nếu là máu mủ của chồng chị, chị sẽ cho em tiền. Em hoặc bạn em qua nhà chị mà lấy tiền. Chị không chuyển khoản đâu”. Câu nói đã khiến một cô gái đầy lòng tự trọng như tôi đau xé lòng. Nỗi thấu hiểu hơn nỗi khổ của một bà mẹ đơn thân, nhưng cũng vì thế giúp tôi mạnh mẽ hơn để vượt qua sự khó khăn này.

Bà mẹ đơn thân trước hết chỉ là một khái niệm thời hiện đại và một trào lưu sống nữ quyền. Nghĩa là một thiếu phụ tự nuôi con không có bố, nên thường con mang họ mẹ. Những bà mẹ đơn thân chủ động chọn lối sống này. Họ mạnh mẽ cho rằng, mình tự chủ được về mặt tài chính, chủ động được về mặt tình cảm và đủ năng lực kỹ năng nuôi dạy những đứa con. Và trên hết họ muốn bảo vệ tự do cá nhân của mình. Nhưng nhiều bà mẹ sau khi trải qua những nỗi vất vả của bà mẹ đơn thân đều khuyên mọi người hãy suy nghĩ thật kỹ trước lựa chọn là bà mẹ đơn thân, để con cái mình được cảm nhận hơi ấm gia đình một cách đúng nghĩa.

Con các bà mẹ đơn thân có ưu thế tự lập hơn trẻ “bình thường” rất nhiều. Tuy nhiên, quan niệm, thói quen, tâm lý truyền thống của những người xung quanh là những rào cản, phiền toái mà bà mẹ đơn thân phải chịu đựng. Thí dụ như cái nhìn thương hại, cảm thông với “nỗi bất hạnh không chồng” luôn làm cho họ thấy bị xúc phạm sâu sắc. Ở Việt Nam ta chưa có thông báo nghiên cứu về những đứa trẻ và các bà mẹ đơn thân hiện đại, nhưng có thể nhận ra rằng, thực tế đã có một tầng lớp phụ nữ mới sống với những tôn chỉ mục đích “phi truyền thống” và 10 - 20 năm nữa tầng lớp này sẽ thêm vào cho xã hội ta những sắc thái nét màu mới chưa đoán biết được. Phụ nữ sống đơn thân, làm mẹ đơn thân không còn là điều mới mẻ trong xã hội hiện đại. Nhưng đây không phải là lối sống đáng cổ súy, để tránh những dòng nước mắt tuôn chảy trong lòng trong mỗi hoàn cảnh bất chợt có thể xảy ra.