Nguyên nhân là do giá dịch vụ y tế, học phí và mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các DN tăng. Theo đánh giá của cơ quan thống kê, lạm phát hiện chịu áp lực rất lớn từ xu hướng điều chỉnh giá dịch vụ công, diễn biến giá trên thị trường quốc tế, đặc biệt là giá dầu thô có khả năng tăng lên 80 USD/thùng.
Nói thêm về vấn đề này, bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết: Giá dầu thô hiện đã tăng lên mức gần 67 USD/thùng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia nhận định dầu thô có thể tăng 70 – 80 USD/thùng trong thời gian tới. Mặt khác, Hiệp hội các nhà dầu mỏ thế giới cam kết giảm sản lượng, hỗ trợ cho giá, dự báo của Cục năng lượng thế giới, giá dầu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, 70 – 80 USD/thùng.
Bà Ngọc cũng cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất cơ bản, với chính sách của Tổng thống Mỹ thì rất có thể lãi suất còn tăng trong năm nay. Tuy vậy theo bà Ngọc, hiện Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, kiên định kiểm soát lạm phát. Chỉ số không chỉ phụ thuộc vào USD mà còn là rỏ 8 đồng tiền mạnh nhất. Do đó, FED tăng tới 4 lần lãi suất thì sẽ có ảnh hưởng nhưng không nhiều tới Việt Nam.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho hay, cơ quan thống kê đã đưa ra 3 kịch bản, trong đó có 2 kịch bản CPI bình quân dưới 4%, hoặc bằng 4% so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Kịch bản còn lại là giá các mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng mạnh thì có thể cuối năm vượt mức 4% so với mục tiêu của Quốc hội đề ra.