CPI 5 tháng tăng cao khiến không ít chuyên gia nhận định, CPI cả năm nay có thể còn cao hơn mục tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra (dưới 5%). Ghi nhận CPI 4 tháng liên tục tăng Diễn biến CPI tháng 5 năm nay (chưa bao gồm việc tăng giá xăng dầu vào ngày 20/5 vì kỳ tính giá tháng 5 là từ 16/4 - 15/5) thuộc loại cao nhất so với tháng 5 cùng kỳ của 4 năm trước đó. Tháng 5 cũng là tháng thứ 4 CPI tăng liên tục, là hiện tượng hiếm thấy trong 3 năm trước đó. Tính chung CPI 5 tháng đầu năm trong 6 năm qua có một số điểm đáng chú ý: Tốc độ tăng đã chậm lại qua mấy năm liền, nhưng đã cao lên trong 5 tháng đầu năm nay; CPI sau 5 tháng đầu năm nay cao hơn cùng kỳ 2 năm trước, do vậy khả năng cả năm nay sẽ không tăng thấp như cả 2 năm trước (cả năm 2014 tăng 1,84%; năm 2015 tăng 0,6%), mà sẽ tăng cao hơn.
Nếu xét đơn thuần CPI sau 5 tháng (tức tháng 5/2016 so với tháng 12/2015) đã tăng 1,88%, bình quân một tháng tăng trên 0,37%, tính ra cả năm sẽ tăng hơn 4,57%. Như vậy, nếu xét đơn thuần về thời gian thì mục tiêu tăng dưới 5% là có tính khả thi, thậm chí còn có dự đoán cả năm chỉ tăng dưới 4% - thấp hơn mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, bởi hiện có những yếu tố làm CPI tăng cao hơn mục tiêu. Tổng quát nhất là quan hệ cung - cầu sẽ tiếp tục chuyển dịch theo hướng tốc độ tăng cung thấp hơn tốc độ tăng cầu. Cung tăng thấp hơn, thể hiện ở việc tăng trưởng kinh tế bị chậm lại (có thể thấp hơn mục tiêu) do nông, lâm nghiệp - thủy sản gặp nhiều khó khăn, công nghiệp tăng chậm lại; số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động nhiều, tăng liên tục trong thời gian dài…; kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Cầu tăng cao hơn khi tốc độ tăng thương mại bán lẻ (đã loại trừ yếu tố giá) tiếp tục tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng sản xuất. Lương tối thiểu tăng… Những yếu tố tác động Yếu tố trực tiếp là chi phí đẩy, sau một thời gian tăng thấp, thậm chí có loại còn giảm, thì nay có xu hướng tăng cao trở lại. Trên thế giới, giá một số loại hàng hóa, nhất là xăng dầu, gas… tính bằng USD được nhận định sẽ tăng trở lại (giá dầu đang tiến gần và có thể vượt qua mốc 50 USD/thùng). Cộng hưởng với yếu tố tỷ giá VND/USD tuy so với cuối năm trước đã giảm, nhưng nếu tính bình quân so với cùng kỳ năm trước lại tăng với tốc độ cao (tháng 5/2016 so với tháng 12/2015 giảm 0,89%, nhưng bình quân 5 tháng 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,19% và khả năng bình quân cả năm sẽ tăng cao hơn tốc độ tăng tương ứng (3,16%) của năm 2015). Yếu tố tiềm ẩn, sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư thì năm nay được dự báo thấp hơn năm trước. Tốc độ tăng năng suất lao động cũng chậm lại. Yếu tố tài chính, tiền tệ - yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát năm nay được dự báo chuyển biến chậm, có loại còn tác động làm cho giá tăng. Bội chi ngân sách/GDP theo mục tiêu tuy thấp hơn năm trước (mục tiêu 4,95% so với 6,11%). Nhưng nếu giá dầu vẫn thấp hơn dự toán và các khoản chi khắc phục hậu quả thiên tai, trả nợ, tăng lương tối thiểu… tăng trong khi GDP tăng chậm lại sẽ khiến có thể không đạt mục tiêu. Tăng trưởng tín dụng cao hơn năm trước và khả năng tốc độ tăng tiền gửi không như các năm trước mà tăng thấp hơn tốc độ tăng tín dụng, sẽ làm cho tiền ra lưu thông nhiều hơn tiền vào hệ thống ngân hàng. Nợ xấu vẫn chưa được xử lý thực chất và triệt để, thậm chí có thể tăng nếu thị trường bất động sản, chiếm tỷ trọng lớn trong nợ xấu, vừa mới ấm lên đã chững lại… Một số yếu tố quan trọng khác là việc thực hiện lộ trình giá thị trường năm nay sẽ cao hơn năm trước, nhất là xăng dầu, nước, giáo dục, y tế… Nếu tiến hành với liều lượng cao hơn, dồn dập vào một vài thời điểm và đồng loạt ở các địa phương (đối với giá do địa phương quyết định)…, cộng hưởng với yếu tố tâm lý sẽ làm cho CPI tăng cao hơn mục tiêu. Đây là cảnh báo cần thiết, bởi đối với người dân, lạm phát được quan tâm nhiều hơn là tăng trưởng…