Kinhtedothi - Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2014 của Bộ Tài chính diễn ra chiều 8/7, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá thừa nhận, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 và 6 tháng đầu năm tăng thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây là cơ hội tốt để thực hiện điều chỉnh một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường mà vẫn đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra.
Đáng lẽ giá xăng phải tăng cao hơn!
Ông Tuấn cho biết, lý do để tăng giá xăng, dầu trong lần điều chỉnh ngày 7/7 là do giá thành phẩm thế giới bình quân 30 ngày từ ngày 7/6 - 6/7 tăng cao, giá bán lẻ mặt hàng xăng đang thấp hơn giá cơ sở từ 294 - 918 đồng/lít. Tuy nhiên, để tránh việc phải tăng quá mạnh, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng (NTD), Bộ Tài chính cũng cho phép các doanh nghiệp (DN) sử dụng Quỹ Bình ổn giá. "Nếu lần này Bộ không cho sử dụng Quỹ Bình ổn giá 500 đồng/lít, thực tế giá xăng phải tăng khoảng hơn 900 đồng/lít" - ông Tuấn nói.
Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu đã có 10 lần điều chỉnh với 5 lần tăng và 5 lần giảm. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mặt hàng xăng không giảm một lần nào, tổng cộng 5 lần tăng giá 1.430 đồng/lít. Các lần giảm giá chủ yếu ở mặt hàng dầu diezel, với mức độ rất "nhỏ giọt", chỉ từ 100 - 150 đồng/lít. Trả lời câu hỏi của phóng viên: Giá xăng dầu tăng cao vào thời điểm khó khăn như hiện nay có tác động gì đến mặt bằng giá cả? Cục trưởng Cục Quản lý giá nhận định, trong tất cả những lần thay đổi giá xăng, dầu, Bộ đều đánh giá tác động của những sự điều chỉnh này, kết hợp hài hòa với việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá để tránh gây sốc cho thị trường. Do đó, chỉ số lạm phát trong 6 tháng đầu năm được duy trì ở mức kỳ vọng và CPI ở mức thấp với 1,38%.
Trước thắc mắc của báo chí cho rằng, mỗi lần xin tăng giá xăng, dầu, DN thường báo lỗ nhưng cuối năm tổng kết, các DN kinh doanh mặt hàng này vẫn lãi lớn, dường như có sự "nhập nhằng" trong cách tính, ông Tuấn giải thích, thực tế, DN không báo lỗ, mà chỉ đưa ra mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở. Việc lỗ hay lãi phải trên cơ sở quyết toán xong, công bố báo cáo tài chính.
Quyết liệt quản lý nhưng giá sữa vẫn “lách”
Liên quan đến quản lý giá sữa, không ít "chiêu" lách luật của DN như thay đổi mẫu mã, trọng lượng, ông Tuấn khẳng định, kể từ khi Bộ Tài chính công bố 141 dòng sản phẩm đăng ký giá của 4 công ty và 35 sản phẩm sữa của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thì chưa có một dòng sản phẩm nào thay đổi mẫu mã.
Ông Tuấn cho biết, ngay cả với sản phẩm của Mead Johnson, tất cả các thủ tục liên quan đến chứng nhận hợp quy và kê khai giá đã được thực hiện từ trước khi có quyết định áp giá trần. Mead Johnson đã kê khai giá ở hạng mục sản phẩm mới với Cục Quản lý giá từ ngày 1/4, nhưng đến ngày 20/5, Bộ Tài chính mới có quyết định về áp giá trần. Cùng đó, kể từ năm 2013 đến 2 tháng đầu năm nay, không có sản phẩm sữa nào của hãng này đăng ký thay đổi mẫu mã, trọng lượng.
Về chênh lệch giá bán lẻ giữa sản phẩm mới và cũ chênh lệch 100.000 đồng có hợp lý không?, ông Tuấn cho biết, đối với 2 dòng sữa này có sự khác biệt về thông tin chi tiết sản phẩm. Ví dụ, chỉ tiêu chủ yếu theo yêu cầu của nhà sản xuất thì ở sữa cũ Enfamil A+2 là 39 chỉ tiêu, dòng sữa mới 360 độ Brain Plus có 40 chỉ tiêu; Chỉ tiêu vi sinh ở sữa cũ là 7 thì sữa mới có 4, hàm lượng kim loại nặng ở sữa cũ có 6 chỉ tiêu, sữa mới có 5... Ông Tuấn kết luận, do có sự khác nhau về chỉ tiêu chất lượng nên không thể khẳng định là 2 sản phẩm tương đương nhau. Tuy nhiên, với một số dòng sản phẩm không được gọi là sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi nên Bộ Tài chính không thể thực hiện áp giá trần hay đăng ký kê khai giá.
Trước câu hỏi của báo giới về hiệu quả đường dây nóng quản lý giá sữa đến đâu, ông Tuấn cho biết, ngày 26/6, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra một số tỉnh miền Trung và ngày 3/7, kiểm tra khu vực phía Nam, qua kiểm tra chưa phát hiện vi phạm giá trần. Còn vấn đề để quản lý giá sữa hiệu quả, ngoài việc áp giá trần và đăng ký giá, Cục Quản lý giá cũng đang cùng các địa phương tăng cường kiểm soát phối hợp với quản lý thị trường trong quá trình nắm bắt tình hình. Nếu phát hiện sai phạm, lực lượng chức năng sẽ xử lý và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Nhìn trong ngắn hạn, giá xăng chưa tác động đến thị trường nhưng ngấm dần vào giá cả hàng hóa hàng ngày, rõ ràng là CPI tăng thấp đang dần trở thành cái cớ để điều chỉnh giá, không những xăng, mà là điện, là dịch vụ y tế. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong |
Người dân mua xăng tại một cửa hàng trên đường Láng, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
|
Đến hết năm 2013, dư nợ công bằng 54,1% GDP, dự nợ Chính phủ bằng 42,2% GDP, dư nợ nước ngoài bằng 37,2% GDP vẫn trong giới hạn nợ cho phép. Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện vay, trả nợ năm 2014; hạn mức vay thương mại nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh năm 2014; phương án tái cơ cấu nợ gốc trái phiếu quốc tế... Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung |