Làm quy hoạch lớn, cốt lõi là cơ chế phải xứng tầm

Huy Khánh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh đến năm 2040 được Chính phủ phê duyệt ngày 16/9/2021.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để biến TP Thủ Đức hiện nay trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học -công nghệ, tài chính quan trọng của TP Hồ Chí Minh và quốc gia là một thách thức to lớn và chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Kinh tế & Đô thị có một cuộc trò chuyện với tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển về những thách thức đang đặt ra với TP Thủ Đức.
Thách thức chưa có tiền lệ

Nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 đã chính thức được Chính phủ phê duyệt. Thưa ông dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông có nhận định gì về các mục tiêu to lớn và những thách thức mà nhiệm vụ quy hoạch chung đặt ra?

- Trong quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 là biến TP Thủ Đức trở thành đô thị loại I trực thuộc TP Hồ Chí Minh, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; trung tâm phía Đông của TP Hồ Chí Minh về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo. TP Thủ Đức sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển.
Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển.
TP Thủ Đức như hiện nay với nền tảng là một đô thị hiện hữu với nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, quỹ đất trống không có nhiều, phần nhiều thuộc quyền sử dụng của người dân, DN. Bản thân đô thị hiện hữu của TP Thủ Đức hiện nay cũng có nhiều vấn đề về chất lượng, hệ thống hạ tầng lạc hậu, đường giao thông chắp nối, các khu dân cư hình thành tự phát lâu đời thiếu hạ tầng...

Để biến TP Thủ Đức hiện nay trở thành một TP Thủ Đức như nhiệm vụ quy hoạch đặt ra, theo tôi là một thách thức to lớn và chưa có tiền lệ. Cần phải nhớ rằng, quy hoạch TP Thủ Đức không phải là một quy hoạch đô thị thông thường, nó là đô thị động lực, là trung tâm của kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Như vậy, có thể hiểu ngoài vấn đề là một đô thị, TP Thủ Đức còn có tầm vóc lớn hơn đó là đô thị này là động lực của cả TP Hồ Chí Minh.
Về “phần cứng”, TP Thủ Đức là đô thị, về “phần mềm” nó là nơi tạo ra các giá trị kinh tế mà không phải kinh tế thông thường mà là kinh tế tri thức; đồng thời, là cái nôi của công nghệ mới cho cả vùng TP Hồ Chí Minh trong tương lai...
Nhiệm vụ trong thời gian tới của công tác quy hoạch TP Thủ Đức không chỉ là tạo ra một đô thị văn minh mà còn phải tạo ra công ăn việc làm, của cải vật chất, đem lại thu nhập cao cho người dân (động lực); tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng vượt trội (giáo dục) để họ có thể đảm nhận những công việc đi đầu trong phát triển công nghệ, đi đầu trong phát triển thị trường tài chính, công nghệ thông tin...

Để triển khai được ý tưởng quy hoạch TP Thủ Đức phải song song làm nhiều việc, trong đó quan trọng nhất là phát triển nguồn nhân lực xứng tầm với yêu cầu của thời đại, sau đó là phát triển đô thị theo những tiêu chuẩn cao nhất... Đó là những thách thức có thể nói là cực lớn mà TP Hồ Chí Minh chưa từng đối mặt.

Cơ chế mới là chìa khóa

Thưa ông! Đô thị động lực là một vấn đề mới ở Việt Nam nhưng thế giới cũng đã có một số mô hình thành công, đâu là bí quyết thành công của các đô thị động lực trên thế giới?

- Xây dựng các TP động lực là vấn đề vô cùng to lớn và hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có tiền lệ trong thực tế. Ở Việt Nam có một số khu đô thị lớn như Phú Mỹ Hưng nhưng nếu xét về tầm vóc và tính chất thì không thể sánh bằng TP Thủ Đức trên nhiều phương diện, nhất là vai trò động lực kinh tế, văn hóa... Xây dựng các đô thị động lực tuy là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam nhưng thế giới thì đã có nhiều mô hình phát triển đô thị kiểu đô thị động lực ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Canada...

Để phát triển những đô thị động lực mà TP Thủ Đức đang hướng đến, có ý tưởng tốt mới chỉ khởi đầu, biến ý tưởng đó trở thành thực tế cần phải có nhiều thay đổi về cơ chế điều hành, cơ chế về huy động nguồn lực tài chính để triển khai quy hoạch, cơ chế tự chủ cho chính quyền, cơ chế về sử dụng đất... Các cơ chế mới là thứ quan trọng nhất để huy động được trí tuệ, nhân lực, nguồn lực tài chính... để phát triển TP Thủ Đức hoàn toàn mới mẻ.

Khi nghĩ về những ý tưởng to lớn mà TP Thủ Đức nhắm đến, tôi thường nhớ về đề án TP Hồ Chí Minh hướng đến trở thành trung tâm tài chính của khu vực và châu Á. Ý tưởng biến TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực đã có vài chục năm trước và đến nay chúng ta loay hoay chưa làm được gì và gần đây chúng ta đang quay về điểm xuất phát làm lại đề án.

Khả thi hay không khả thi?

Nhìn lại hiện trạng công tác quy hoạch và triển khai quản lý quy hoạch hiện nay, ông có tin rằng các ý tưởng về một TP Thủ Đức vượt trội mọi mặt sẽ khả thi trong tương lai?

- Vấn đề cốt lõi của quy hoạch đó là phải có đất, với TP Thủ Đức tôi thấy đất đai đã có chủ hết rồi, làm sao mà quy hoạch? Một vấn đề cốt lõi khác, quy hoạch phải dựa trên tính khả thi, nếu quy hoạch xong rồi nhưng không thể đi vào cuộc sống, không thể thực hiện được, nó sẽ trở thành quy hoạch treo, nó sẽ trở thành các vùng da beo (báo) loang lổ.

Vấn đề thứ 2 là các dự án phát triển đô thị đã hiện hữu rồi, vấn đề đặt ra là các đô thị đã hiện hữu phải theo quy hoạch hay quy hoạch sẽ theo hiện hữu... đây là những vấn đề cần phải giải quyết nếu muốn có một đô thị tầm vóc, hiện đại và quy củ. Có một thực tế, người làm quy hoạch sẽ thực hiện theo ý chí của mình nhưng khi triển khai thực hiện lại không được.

Trong công tác lập quy hoạch và triển khai quy hoạch ở Việt Nam, có một tình trạng mang tính cực đoan, nếu triển khai thu hồi đất quyết liệt sẽ ảnh hưởng đến người dân, dẫn đến kiện cáo. Ở cực ngược lại, đó là không thể triển khai quy hoạch kéo dài dẫn đến quy hoạch treo cũng ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân trong khu vực. Ở TP Hồ Chí Minh, chúng ta có thể thấy rất nhiều dự án dạng này, chẳng hạn dự án đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa, đây là một quy hoạch đầy tham vọng, tuy nhiên làm thế nào để biến quy hoạch này trở thành thực tế thì chưa có. Trong khi đó, người dân phải sống chung với tình trạng phập phồng chờ đợi ra đi nhưng chờ 20 năm rồi vẫn chưa thể ra đi. Trong khi đó, người dân muốn ở lại thì cũng không yên, không thể đầu tư sản xuất căn cơ lâu dài trên mảnh đất của mình.

Ở các quốc gia phát triển, khi đã quy hoạch thì đảm bảo tính xuyên suốt, lâu dài. Hệ thống hạ tầng theo quy hoạch sẽ được nhà nước đầu tư theo kế hoạch, không thể quay lui. Trong khu vực quy hoạch, các dự án tư nhân vẫn được phát triển miễn sao họ tuân thủ các quy định đã được đặt ra. Ví dụ trong khu vực A được xây dựng tầng cao bao nhiêu thì cứ việc làm, không phải xin phép, chờ duyệt, tốn thêm một giấy phép... Đó là cách để quy hoạch đi vào cuộc sống và từng bước hình thành nên quy hoạch, đúng bài bản như quy hoạch đã hoạch định. Thực tế ở Việt Nam, quy hoạch đôi khi được lập vì ý chí của lãnh đạo nhiệm kỳ đó, khi đi vào thực tế lại không khả thi, thông thường quy hoạch không khả thi vì không thể nào giải phóng mặt bằng, đất nào cũng có chủ, nếu làm quyết liệt thì đụng chạm đến người dân.

Thưa ông, dưới góc nhìn của một tiến sĩ kinh tế, có bài học nào để cải thiện chất lượng quy hoạch không, thưa ông?

- Từ trước đến nay, tôi nhận thấy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chỉ có một quy hoạch được triển khai bài bản đó là Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Quy hoạch này chủ đầu tư triển khai trên vùng đất trống, họ có quyền sử dụng, họ làm đúng theo quy hoạch và từng bước thực hiện quy hoạch.

Tuy nhiên, kinh nghiệm này không thể áp dụng cho TP Thủ Đức bởi vì quỹ đất thuộc quyền sử dụng của các chủ đầu tư, người dân.

Một hạn chế tồn tại trong công tác lập quy hoạch từ trước tới nay đó là lập quy hoạch theo những ý tưởng vượt qua điều kiện thực tế, thậm chí quá bay bổng nhưng không gắn với điều kiện thực tại, giải pháp triển khai thực hiện quy hoạch, nguồn lực để biến quy hoạch trở thành thực tế không được quan tâm, thậm chí bị bỏ mặc. Các quy hoạch đô thị không gắn với hoạt động đầu tư bất động sản phục vụ cho nhu cầu hiện tại... Tôi cũng không có nhiều kỳ vọng vào các quy hoạch hoành tráng nếu vẫn tiếp tục được thực hiện theo cách thức hiện nay.

Để cải thiện chất lượng quy hoạch, vấn đề cốt lõi là phải đảm bảo tính xuyên suốt không thay đổi, quy hoạch phải có tầm nhìn 100 năm. Vấn đề thứ 2 là một khi đã có quy hoạch thì nhà nước phải quyết liệt đầu tư cho hệ thống hạ tầng, đó là vai trò của Nhà nước. Khi Nhà nước đầu tư hạ tầng sẽ hình thành bộ khung cho quy hoạch, các DN bất động sản hay người dân cứ theo quy hoạch mà làm, không xuất hiện thêm giấy phép con. Khi có quy hoạch, nguồn lực xã hội nó sẽ tự biến quy hoạch thành thực tế, mọi thứ ráp vào nhau.

Xin cảm ơn ông !

TP Hồ Chí Minh đang loay hoay mấy chục năm với đề án trở thành trung tâm tài chính khu vực và chưa làm được gì đáng kể. Trong khi đó, đề án trở thành trung tâm tài chính khu vực chỉ là một phần nhỏ trong nội hàm của TP Thủ Đức. Nói như vậy để thấy được tầm vóc của quy hoạch TP Thủ Đức và cũng có thể hình dung được những thách thức to lớn thế nào. Nói tóm lại, để làm được những điều to lớn như quy hoạch TP Thủ Đức nhắm đến, cần phải có những cơ chế xứng tầm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần