Thursday, 08:21 12/07/2018
Làm rõ danh mục bí mật Nhà nước cần bảo vệ trong luật
Kinhtedothi - Ngày 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 25, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Dự luật quy định 15 lĩnh vực thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phạm vi còn quá rộng và có những điểm chưa thật sự phù hợp trên thực tế. Trong phạm vi, Dự Luật quy định lĩnh vực chính trị gồm: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác xây dựng Đảng; công tác dân tộc, tôn giáo; thông tin liên quan đến thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN |
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, cần “khoanh” lại, bởi trong phạm vi này có những điểm cần giữ bí mật nhưng cũng có những nội dung cần phải tuyên truyền công khai. Hay như “Thông tin về hoạt động của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, lâu nay nhiều thông tin vẫn được báo chí đăng tải rộng rãi. Nên chăng luật chỉ quy định theo cấu trúc những vấn đề cơ mật cần bảo vệ, vì “thực tế khác xa rồi”.
Chiều cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến về việc xử lý số kinh phí Tổng cục Thuế đã tạm ứng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ năm 2012 trở về trước. Đồng thời, biểu quyết thống nhất đồng ý sửa bổ sung thêm một khoản chi trong Nghị quyết 1094 ngày 18/12/2015 của UBTV Quốc hội về cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020, cho phép khoản chi tinh giản biên chế vào chi thường xuyên 63%, nằm trong cơ chế khoán áp dụng trong giai đoạn 2018 - 2020. Cùng với đó, cho phép sử dụng chi thường xuyên năm 2017 để xử lý hơn 51 tỷ đồng tiền giải quyết cho 1.336 công chức. |