Làm rõ giải pháp tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong thu hồi tài sản tham nhũng

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hiện nay một số vụ việc người phải thi hành án có nhiều tài sản và đã được kê biên để đảm bảo thi hành án, nhưng việc thu hồi sản vẫn chậm. Nguyên nhân được cho là vướng mắc trong xử lý tài sản chung, tài sản riêng-đây được coi là một 'điểm nghẽn'...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn đề thu hồi tàn sản tham nhũng (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn đề thu hồi tàn sản tham nhũng (Ảnh: Quochoi.vn)

Sáng 20/3, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực toà án, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đặt vấn đề: Theo báo cáo của TAND tối cao và VKSND tối cao, thời gian qua việc bồi thường cho những người bị oan trong tố tụng cũng như bị thiệt hại rất chậm. Đại biểu đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân và các giải pháp trong thể chế, tổ chức thực hiện để giải quyết tình trạng nêu trên?.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn sáng 20/3
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn sáng 20/3

Trả lời câu hỏi này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, số lượng các vụ án oan sai bồi thường gần đây không thời gian trước đây xảy ra do chất lượng truy tố xét xử chưa cao dẫn đến tỉ lệ sai sót nhiều. Việc bồi thường cho người bị oai vẫn chậm là do quy định của luật, toà không vượt qua luật. Muốn chứng minh bồi thường bao nhiêu thì theo quy định của Bộ Tài chính. Luật đang có bất cập nên có hạn chế nhất định trong việc bồi thường oan sai.

"Về trách nhiệm, TAND rất chia sẻ với gia đình các nạn nhân có vụ án oan sai. Bản thân họ mong muốn được toà bồi thường nhanh thiệt hại gây ra nhưng quy định của luật không thể vượt qua được. Toà án không thể tuỳ nghi chi cho 1 hay 2 tỷ vì tuỳ nghi thế lại sinh ra chuyện khác. Luật chặt chẽ mong đại biểu chia sẻ nội dung này", Chánh án TAND tối cao bày tỏ.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) cho biết, qua theo dõi, hiện nay một số vụ việc người phải thi hành án có nhiều tài sản và đã được kê biên để đảm bảo thi hành án, nhưng việc thu hồi sản vẫn chậm. Nguyên nhân được cho là vướng mắc trong xử lý tài sản chung, tài sản riêng, đây được coi là một "điểm nghẽn". Đại biểu đề nghị Chánh án TAND tối cao cho biết quan điểm, hướng xử lý của ngành về vấn đề này? Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp cho biết quan điểm, hướng xử lý về vấn đề trên?.

Liên quan đến vấn đề này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng việc không thu hồi được tàn sản tham nhũng do có tài sản chung, tài sản riêng. Trên thực tế có những vụ án ngôi nhà là tài sản hình thành trong hôn nhân (có của vợ, con, những người thân trong gia đình) nên không thu được tài sản này. Tuy nhiên, nếu chúng ta có cơ chế thu tài sản như nhiều nước đã áp dụng-cơ chế phi hình sự (tăng giải trình, nếu bảo là tài sản chung mà không giải trình được thì thu, phụ thuộc vào luật) khi đó hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng sẽ tăng cao, nhưng cần chỉnh sửa pháp luật về lĩnh vực này.

Đại biểu nêu câu hỏi tại phiên chất vấn sáng 20/3
Đại biểu nêu câu hỏi tại phiên chất vấn sáng 20/3

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra trong ngành tư pháp và thi hành dán dân sự. Thời gian qua lĩnh vực này đã đạt kết quả tích cực, 5 tháng đầu năm 2023 đã thu được trên 17 nghìn tỷ đồng, tăng gần 12 nghìn tỷ so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ tư pháp bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề đặt ra. Về khách quan do bản thân các vụ án, với các vụ án lớn, nằm rải rác ở các địa phương trên cả nước; Do nguồn gốc pháp lý của nhiều tài sản kê biên đưa ra xử lý phức tạp, cần nhiều thời gian để làm rõ; thứ 3 là phải xác định tài sản đó phải tài sản chung hay riêng, tài sản của người phạm tội, tài sản của người vô tình, tài sản của vợ chồng, hộ gia đình trong quá trình sản xuất kinh doanh...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục bám sát, thực hiện tốt Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế; bám sát ý kiến kết luận của Ban chỉ đạo trung ương Phòng chống tham nhũng, trong đó có cơ chế phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều phối bên Đảng như Ban Nội chính trung ương, Bộ Công an, Viện KSND tối cao cấp trung ương, cấp địa phương-đặc biệt tập trung vào các vụ án lớn đang được xã hội quan tâm; thường xuyên báo cáo Chính phủ đề ra giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị các cơ quan dân cử Quốc hội, đại biểu Quốc hội thực hiện chức năng nhiệm vụ, tăng cường giám sát để giảm việc tẩu tán tài sản tham nhũng.

Quang cảnh phiên chất vấn sáng 20/3
Quang cảnh phiên chất vấn sáng 20/3

Đại biểu quan tâm đến nâng cao chất lượng cán bộ toà án

Tại phiên chất vấn, đại biểu cũng nêu nhiều câu hỏi về vấn đề thiếu số lượng cán bộ toà án, cơ chế tuyển dụng cán bộ làm việc tại toà. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Bình Phước) nêu, vấn đề khá nan giải hiện nay là công tác cán bộ và biên chế. Số lượng biên chế các đơn vị không đủ để đáp ứng yêu cầu công việc, nhất là đội ngũ thư ký toà án, trong khi số lượng các công việc phải thụ lý ngày càng tăng và yêu cầu về nâng cao chất lượng đã tạo áp lực không nhỏ đối với các đơn vị thuộc TAND hai cấp ở các địa phương trên cả nước. Đại biểu đề nghị Chánh án cho biết giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên.

Trước câu hỏi này của đại biểu, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận mô hình tổ chức hiện nay không hợp lý, hiện đang được khắc phục bằng các giải pháp căn cơ. Chánh án TAND tối cao nêu thực tế, hiện nay một số loại án chuyên biệt đòi hỏi tính chuyên môn sâu nhưng không có thẩm phán chuyên biệt, không có tòa chuyên trách để giải quyết, nên hiệu quả giải quyết rất khiêm tốn. Ví dụ như tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ xét xử chưa nhiều, tòa hành chính cải cách tố tụng không cho phép toà án cấp huyện xử các vụ án ủy ban cấp huyện bị kiện mà giao cho TA cấp tỉnh xử. Nhưng vụ kiện của chủ tịch, cấp tỉnh, sở vần giao cho toà án tỉnh giải quyết nên vẫn có vướng mắc. Vì vậy, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Quốc hội xây dựng các tòa chuyên biệt để chuyên xử các vụ án chuyên biệt, nhất là chuyên xử các vụ án hành chính của cấp tỉnh để khắc phục được tình trạng nể nang như đại biểu Quốc hội đã nêu. 

Ngoài ra, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định, tổ chức bộ máy của tòa án chưa thực sự hợp lý theo quy mô nền kinh tế, quy mô dân số và quy mô số lượng các vụ việc của các tòa án. Hiện hiện nay đang tổ chức đồng đều. Vì vậy, cần tiến hành sửa đổi bằng những giải pháp mang tính căn cơ, đặc biệt cần có tòa án khu vực để có khả năng giải quyết các vụ việc chuyên nghiệp hơn.

Đại biểu Cao Mạnh Linh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá) chất vấn tại phiên họp 
Đại biểu Cao Mạnh Linh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá) chất vấn tại phiên họp 

Đại biểu Cao Mạnh Linh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) nêu về tiêu chuẩn tuyển dụng thư ký viên toà án đặt ra là phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử có thực sựu cần thiết, hợp lý hay không vì để được cấp chứng chỉ này các sinh viên tốt nghiệp các trường luật khác ngoài Học viện Tòa án sẽ phải mất 18 tháng để học ở Học viện Tòa án hoặc Học viện Tư pháp. Việc đặt ra chỉ tiêu này có thu hẹp nguồn tuyển dụng đối với các cử nhân xuất sắc ở các trường luật có uy tín khác hay không?

Trước câu hỏi này, Chánh án TAND tối cao cho rằng, tuyển sinh viên phải có chứng chỉ xét xử là quy định của Luật, toà án phải chấp hành. Luật quy định như vậy vì muốn nâng cao chất lượng xét xử. Muốn làm toà án phải có nghiệp vụ xét xử, phải hiểu biết, được đào tạo vì quyết định đến quyền lợi, thậm chí sinh mạng con người nên Quốc hội đòi hỏi cao nên không thể tuyển mà không qua đào tạo.

"Nếu bảo không cần qua đào tạo có được hay không, tôi nghĩ là không được. Việc này không phải chỉ toà án mà điều tra viên muốn điều tra phải có nghiệp vụ điều tra; kiểm soát viên muốn làm cũng phải qua nghiệp vụ kiểm soát; luật sư muốn làm luật sư cũng phải có kiến thức về luật sư chứ không phải cứ học xong là được", Chánh án TAND tối cao nêu.

Còn với các sinh viên học giỏi ở các ngành khác thì có cơ chế tuyển dụng nhân tài theo chính sách chung với sinh viên đạt giải quốc gia, quốc tế, thủ khoa, xuất sắc, còn với nghiệp vụ xét xử thì đào tạo sau để không hạn chế quyền lợi của các cháu học giỏi.