Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Ban quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng (ĐTXD) công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp, Ban QLDA ĐTXD công trình dân dụng và công nghiệp, Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long.
Hoàn thành 32 dự án công trình giao thông
Qua làm việc cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết của HĐND TP đã được các Ban QLDA và đơn vị sự nghiệp của TP ban hành các kế hoạch, văn bản cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến các nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện các dự án được giao là chủ đầu tư.
Các Ban QLDA và đơn vị sự nghiệp cũng tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại 10 Chương trình công tác của Thành ủy, các nội dung theo Nghị quyết HĐND TP và Kế hoạch công tác của UBND TP. Đồng thời, chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các nội dung kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán; khắc phục các hạn chế, khuyết điểm qua từng năm.
Cụ thể, Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội đã hoàn thành và vận hành 1 tuyến đường sắt Cát Linh – Yên Nghĩa; đang thực hiện 2 tuyến gồm: đoạn Nhổn – Ga Hà Nội (tuyến 3.1) và tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (tuyến 2.1); dự án Hỗ trợ Chủ đầu tư quản lý dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội.
Hiện Ban đang thực hiện chuẩn bị đầu tư đối với 2 tuyến gồm: tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai; tuyến số 5 đoạn Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc.
Ban QLDA ĐTXD công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP được giao thực hiện 61 dự án (32 dự án nông nghiệp và 29 dự án thoát nước).
Ban QLDA ĐTXD công trình dân dụng TP đã lập trình phê duyệt chủ trương đầu tư 57 dự án, trong đó đã phê duyệt dự án đầu tư đối với 37 dự án. Ban đã triển khai thi công đối với 34 dự án; lập trình, phê duyệt quyết toán đối với 27 dự án trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và 29 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước...
Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông TP đã hoàn thành 32 dự án trong giai đoạn 2021-2023. Trong năm 2024 dự kiến hoàn thành thêm 9 dự án và năm 2025 tiếp tục hoàn thành 12 dự án...
Với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, thu ngân sách năm 2023 là16.225 triệu đồng (đạt 221,9% kế hoạch TP giao). Tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm 2024 đạt 22.391 triệu đồng (đạt 154% kế hoạch TP giao); thu phí, lệ phí ước thực hiện 21.500 triệu đồng (đạt 148% kế hoạch TP giao).
Công tác triển khai thủ tục đầu tư còn chậm
Bên cạnh việc ghi nhận các kết quả đạt được của Khối các Ban QLDA và đơn vị sự nghiệp của TP, đoàn giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại, khó khăn của các đơn vị trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Có thể kể đến một số lĩnh vực như: công tác triển khai thủ tục đầu tư nhìn chung còn chậm; việc thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư còn nhiều vướng mắc; tỉ trọng vốn giao kế hoạch hàng năm còn thấp so với kế hoạch trung hạn đã cân đối và tiến độ giải ngân so với yêu cầu chậm...
Trao đổi tại buổi giám sát, lãnh đạo, chuyên trách các Ban HĐND TP đề nghị các Ban Quản lý Dự án thông tin, làm rõ về tiến độ giải ngân năm 2024 và dự kiến cả giai đoạn 2021-2025; nêu rõ nguyên nhân, hạn chế, vướng mắc khó khăn trong thực hiện dự án khiến tiến độ giải ngân chậm; làm rõ việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm ảnh hưởng ra sao đối với thực hiện nhiệm vụ giải ngân các dự án đầu tư công. Đồng thời đề nghị các Ban nếu có đề xuất, kiến nghị về cơ chế chính sách thì khẩn trương rà soát, đề xuất.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên đánh giá các ý kiến trao đổi của thành viên đoàn giám sát, lãnh đạo các sở, ngành TP và UBND các quận, huyện rất tập trung, trên tinh thần thẳng thắn. Qua đó đã thể hiện kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Để có được bức tranh tổng thể về tình hình thực hiện đầu tư công của TP, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Ban Kinh tế - HĐND TP lập các biểu chi tiết với từng công đoạn, các bước của quá trình đầu tư để đánh giá được từng bước triển khai của các dự án. Trong đó có bình quân chung về thời gian thực hiện để đánh giá được bước nào nhanh, chậm. Cùng với đó cũng đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan; rút ra được những điểm cần cải thiện, tháo gỡ, trên cơ sở đó có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.