Tham dự Hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU; cùng đại diện các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn TP...
Có 14 chỉ tiêu hoàn thành, 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch
Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU của Thành ủy về Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân (Cơ quan Thường trực Chương trình 08) cho biết: Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, với quyết tâm chính trị cao và tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, TP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp và đạt được những kết quả quan trọng.
Trong năm 2022 có 9/27 chỉ tiêu của Chương trình 08-Ctr/TU hoàn thành vượt kế hoạch năm 2022 gồm: Tỷ lệ thất nghiệp (2,23%); Giải quyết việc làm (203.027 lượt người); Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; Tỷ lệ hộ nghèo (0,095%); Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; Tỷ lệ hỏa táng. Có 14 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch năm 2022.
Cụ thể, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát vào cuối quý I/2022, tạo tiền đề quan trọng đề phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
TP đã tổ chức nhiều hoạt động tặng quà, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; Thăm hỏi, động viên lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Kết quả tặng quà Tết cao hơn so với năm trước, mở rộng đối tượng được tặng quà.
Cơ bản các chương trình, văn bản thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy cơ bản đảm bảo tiến độ. Các chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời, bên cạnh đó TP còn ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, trợ giúp xã hội phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, với tổng mức đầu tư trên 49.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 6.227.000 đồng/người/tháng (bằng 103,7% so với năm 2021). TP quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Khó khăn trong triển khai các chỉ tiêu về y tế
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Còn tình trạng doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Một số chỉ tiêu khó thực hiện cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện hiệu quả (các chỉ tiêu về lĩnh vực y tế); Còn tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh.
Việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ gặp một số khó khăn, tiến độ giải ngân chậm. Tiến độ triển khai các Dự án Nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội còn chậm so với kế hoạch, chưa có Dự án mới khởi công và mở bán dẫn đến khó khăn trong triển khai cho vay...
Việc xây dựng giá và mức hỗ trợ đào tạo đối với các nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP còn gặp nhiều khó khăn do Trung ương chưa ban hành văn bản hướng dẫn việc xây dựng giá và mức hỗ trợ đào tạo đối với các nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg...
Hiện có 3 chỉ tiêu chưa hoàn thành kế hoạch năm 2022 và khó thực hiện gồm: Số giường bệnh/vạn dân; Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe; tuổi thọ bình quân; và 1 chỉ tiêu chưa triển khai thực hiện (tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia Chương trình sức khỏe học đường).
Về chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân (mục tiêu đến năm 2025 đạt 30-35 giường bệnh/vạn dân). Để thực hiện mục tiêu TP cần bổ sung tối thiểu 4.204 giường bệnh.
Chỉ tiêu số bác sỹ/vạn dân (mục tiêu đến năm 2025 đạt 15 bác sỹ/vạn dân, tương đương 13.250 bác sỹ). Hiện Hà Nội có 14 bác sỹ/vạn dân. Để đạt mục tiêu còn thiếu 367 bác sỹ, chia bình quân 5 năm, mỗi năm cần tăng thêm khoảng 75 bác sỹ.
Chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường” đã được điều chỉnh thành “Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo và học sinh tham gia chương trình sức khỏe học đường”. Ngày 6/9/2022, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND thực hiện Chương trình sức khỏe học đường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025, tuy nhiên đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu.
Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở luôn bám sát các chỉ tiêu nhưng năm 2022 ngành y tế khó khăn và vất vả, ngoài phòng chống dịch Hà Nội còn nhiều nhiệm vụ khác. Ngành y tế Hà cam kết để năm 2023 sau khi có sự ổn định trong ngành y tế và Quốc hội thông qua Luật Khám, chữa bệnh sẽ có cơ sở pháp lý để ngành y tế thực hiện các chỉ tiêu.
Báo cáo tại Hội nghị, Bí thư huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Xuân Đại cũng nêu một số khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu bác sỹ/vạn dân, số giường bệnh/vạn dân như thời gian giải ngân, giải phóng mặt bằng kéo dài; không có cơ sở vật chất lại dẫn đến khó thu hút bác sỹ về tuyến cơ sở.
Bí thư huyện ủy Hoài Đức đề nghị cần có lộ trình, giải pháp cụ thể và trên cơ sở đó phân công nhiệm cụ các sở, ngành liên quan thật chi tiết để hoàn thành mục tiêu về y tế trong năm 2023 các chỉ tiêu này liên quan móc xích với chỉ tiêu kia.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đây là chương trình khó, chương trình lớn và phức tạp đã được triển khai khoa học, nghiêm túc, sáng tạo, trách nhiệm và có cách làm phù hợp với thực tế, đi vào thực tiễn, thực chất.
Hoan nghênh các đơn vị làm việc trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện duy trì và tăng cuòng kiểm tra, đôn đốc, tổ chức giao ban thường kỳ hoặc đột xuất nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công việc được giao. Một số chỉ tiêu nhiệm vụ như xã hội hoá các bệnh viện, chuyển giao bệnh viện Bộ, ngành về Hà Nội, tỉ lệ khám sức khoẻ cho người dân... cần đẩy nhanh tốc độ.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị những chỉ tiêu liên quan đến ngành, địa phương, trách nhiệm liên quan đến quận uỷ, thị ủy thì rà soát và xem cách thức làm phù hợp.
"Để thực hiện thành công Chương trình 08 thì phải tập trung vào những nội dung khó đạt, phải làm quyết liệt mới hoàn thành. Ví dụ chỉ tiêu trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sức khoẻ học đường cần báo cáo Ban cán sự UBND TP điều chỉnh sát thực, phù hợp", Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nêu.
Phó Bí thư Thành ủy đề nghị Sở Y tế triển khai làm sổ điện tử, thực hiện quản lý sức khoẻ cho người dân và gắn với lộ trình thực hiện cụ thể. Trước diễn biến của dịch Covid-19 với sự xuất hiện biến chủng mới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ngành, quận, huyện tập trung chăm lo sức khoẻ, dự báo tình hình. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, các quận, huyện, sở, ngành tập trung chăm lo gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo, khó khăn, dân tộc miền núi, công nhân lao động khu công nghiệp... Đồng thời, đảm bảo ổn định giá cả hàng hoá để nhà nhà có Tết, người người có Tết theo quan điểm chỉ đạo của Thành ủy.