Làm rõ sai phạm trong quản lý thiết bị y tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/1, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo quý IV/2015 về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), phòng chống tham nhũng (PCTN) và triển khai nhiệm vụ quý I/2016.

Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ 3 Ngô Văn Cao (Thanh tra Chính phủ) khẳng định: Quá trình thanh tra công tác quản lý Nhà nước về trang thiết bị và công trình y tế (TTB&CTYT) tại 10 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 5 Sở Y tế, 14 DN sản xuất kinh doanh, nhập khẩu trang thiết bị y tế… (giai đoạn 2011 - 2014). Qua đó, xác định quá trình quản lý TTB từ khâu xây dựng thể chế đến khâu tổ chức mời thầu, đấu thầu, tiếp nhận, hiệu chỉnh và thanh lý thiết bị y tế, ở tất cả các khâu đều để xảy ra vi phạm quy định trong công tác quản lý. Thậm chí, có nơi còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng gây thất thoát tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám chữa bệnh và sức khỏe của người dân.
Buổi họp báo sáng 7/1 tại Thanh tra Chính phủ. 	Ảnh: Nguyễn Trường
Buổi họp báo sáng 7/1 tại Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Nguyễn Trường
Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ Y tế tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TTB&CTYT, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện nghiêm túc quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và các quy định của Nhà nước về TTB&CTYT, nhất là công tác đấu thầu mua sắm TTB. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh. Chỉ đạo thanh, kiểm tra việc sử dụng TBYT đã thanh lý của các đơn vị, cá nhân trúng thầu sau khi thanh lý TTBYT tại các cơ sở y tế, tránh tái sử dụng làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh cũng như sức khỏe của người dân. Kiểm điểm trách nhiệm cán bộ Vụ TTB&CTYT trong việc chưa kịp thời tham mưu xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về sản xuất, kinh doanh và các dịch vụ kỹ thuật TTBYT cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, chỉ đạo Viện TTB&CTYT chấn chỉnh ngay các hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, kiểm tra đánh giá chất lượng TTBYT, tư vấn phát triển chuyên ngành, quản lý tài chính… nhất là hoạt động tư vấn thiết kế, thẩm định đấu thầu.

Đối với sai phạm kinh tế trong đầu tư xây dựng công trình y tế, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Y tế xử lý sai phạm về đầu tư xây dựng với số tiền 54.364,866 tỷ đồng. Trong đó, Bệnh viện Nhi T.Ư giảm trừ thanh toán số tiền 11.071,511 triệu đồng; Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí điều chỉnh giá trị hợp đồng và giảm trừ thanh toán số tiền 18.403,089 triệu đồng; Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới giảm trừ số tiền 710,320 triệu đồng; Bệnh viện Thống Nhất giảm trừ thanh toán số tiền 9.287,933 triệu đồng; Bệnh viện Chợ Rẫy giảm trừ số tiền 10.418,343 triệu đồng… Bộ Y tế có trách nhiệm xử lý số tiền thu sai, thu vượt quy định của các đơn vị trực thuộc Viện TTB&CTYT với số tiền 5.287,218 triệu đồng. Về nguyên tắc, số tiền trên phải được thu hồi về ngân sách Nhà nước hoặc phải hoàn trả các đơn vị. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ còn đề nghị Bộ Công an phối hợp xác minh làm rõ hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng cơ bản của Công ty CP Đầu tư xây dựng số 4 - Vạn Xuân trong việc chuyển nhượng hợp đồng thi công Dự án (DA) cải tạo, mở rộng Bệnh viện Nhi T.Ư giai đoạn 2.

Trả lời một số câu hỏi của phóng viên xung quanh sai phạm tại DA đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì và Chung cư 93 Lò Đúc (Hà Nội), Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh khẳng định: “Qua Thanh tra, Thanh tra Chính phủ và UBND TP đã phát hiện  một số sai phạm tại hai DA này, qua đó yêu cầu các chủ đầu tư có trách nhiệm sớm khắc phục những nội dung kiến nghị về tài chính, tháo dỡ diện tích vi phạm, phòng cháy chữa cháy, điện, nước. Ngay sau khi có kết luận, UBND TP Hà Nội đã tích cực chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp cùng các sở, ngành, quận, huyện có liên quan khắc phục hậu quả theo kiến nghị. Đến nay, một số nội dung đã thực hiện xong, còn một số nội dung đang được tiếp tục thực hiện và sẽ hoàn thành trong quý I/2016. Do UBND TP Hà Nội đang quyết liệt vào cuộc xử lý vi phạm nên Thanh tra Chính phủ chỉ thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền là đôn đốc khắc phục hậu quả sau thanh tra mà thôi”.
Trong 25 ngày sau khi công bố 3 số điện thoại đường dây nóng của Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), đến nay đã có 329 cuộc điện thoại, tin nhắn từ phía các bộ, ngành, tỉnh, TP ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. Nhiều nhất thuộc lĩnh vực đất đai, khoáng sản, thuế, tài chính, DA, chính sách xóa đói giảm nghèo và quy trình xử lý vi phạm của lực lượng chức năng thuế, hải quan, cảnh sát giao thông. Trong đó, có hơn 50% nội dung thông tin do người dân chưa hiểu rõ quy trình giải quyết, xử lý nhưng vẫn gọi điện, nhắn tin. Hơn 30% thông tin là các vấn đề có dấu hiệu sai phạm, nhưng cần bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ để làm cơ sở pháp lý. 15% thông tin phản ánh là có cơ sở.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần