Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm rõ trách nhiệm công bố dịch trên vật nuôi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thú y. Đây là lần đầu tiên Luật được xây dựng và đưa ra lấy ý nên sự cần thiết của Luật nhận được sự tán thành cao của nhiều ĐB Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng nhiều điểm trong Dự án luật cần phải làm rõ hơn.

ĐB Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội), việc nâng cấp từ Pháp lệnh Thú y lên Luật Thú y là một bước tiến lớn để quản lý tốt hơn lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo ĐB Khiết, cần phải làm rõ thẩm quyền quản lý, xử lý, giải quyết dịch bệnh trên địa bàn tại mỗi địa phương, đặc biệt là thẩm quyền công bố dịch bệnh. "Ví dụ công bố 15 tỉnh có dịch cúm gia cầm nhưng mỗi tỉnh chỉ có 1 huyện, mỗi huyện chỉ có 1 xã thì sẽ ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh, người dân không tiêu thụ được sản phẩm" - ĐB Khiết chia sẻ.

 
ĐB Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 13/11. Ảnh: Quang Thiện
ĐB Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 13/11. Ảnh: Quang Thiện
Liên quan tới vấn đề này, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cho rằng, hiện nay nhiều nơi vẫn còn tình trạng giấu dịch, chậm công bố dịch. Lấy ví dụ từ thực tế tại Hòa Bình, có địa phương giấu dịch đã khiến cho dịch lây lan ra nhiều nơi, còn người dân tiếc của đem bán lợn, gà khắp nơi, gây nguy hiểm tới tính mạng của người sử dụng. Do vậy, theo ĐB Sinh, cần quy định cụ thể về trách nhiệm công bố dịch, trong đó huyện cũng phải có thẩm quyền công bố dịch, còn cấp xã thì chưa nên vì chưa có cơ quan thú y chuyên ngành. Về phía tỉnh, theo ĐB Sinh phải trách nhiệm công bố dịch khi có từ 2 huyện trở lên bị dịch.

Một trong những vấn đề trong Dự án Luật Thú y được các ĐB quan tâm là việc kiểm soát giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. Theo các ĐB, hiện nay việc quản lý vấn đề này chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn.

Nhiều ĐB cũng cho rằng, cần phải có quy định trong Luật Thú y về siết chặt quản lý tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm. Bởi hiện nay, tình trạng nhập lậu quá dễ dàng trong khi đây chính là mầm lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, các yếu tố đầu vào trong chăn nuôi như thức ăn chăn nuôi, thuốc thu y... cũng cần được xem xét, quy định cụ thể, đảm bảo Luật đi vào cuộc sống và tạo thuận lợi cho người chăn nuôi.