Làm rõ vai trò của Quốc hội trong quản lý vốn Nhà nước ở doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

 Nhiều ý kiến cho rằng, Dự án Luật mới sẽ khắc phục các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Với quy định phạm vi vốn kinh doanh của Nhà nước trong 4 lĩnh vực là điều kiện tốt để sắp xếp lại doanh nghiệp, khắc phục tình trạng đầu tư không đúng mục tiêu, dàn trải. Nhưng Dự án Luật cần bổ sung quy định về việc doanh nghiệp phải có trách nhiệm hoàn trả vốn ngân sách, tránh tình trạng doanh nghiệp chỉ duy trì ở mức có lãi không đáng kể so với vốn điều lệ. Đồng thời, có quy định cụ thể về việc một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang được Chính phủ gánh nợ thay phần vốn huy động.

Theo Ủy viên Ủy ban Kinh tế Cao Sĩ Kiêm, thực tế, những rủi ro, tồn tại, thiếu hiệu quả đối với vốn Nhà nước thường là do khâu quản lý yếu. Do đó, nội dung của Dự án Luật phải thể hiện một cách rõ ràng, đẩy đủ, chi tiết, trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực trạng quản lý vốn trong các doanh nghiệp này thời gian qua. Nhiều thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề xuất, Dự án Luật cần làm rõ việc Quốc hội có vai trò gì trong quản lý hàng ngàn tỷ đồng vốn chủ sở hữu Nhà nước ở các doanh nghiệp hiện nay, hay vẫn chỉ là giám sát chung chung.