Cùng với việc xử lý nghiêm các cán bộ, công chức vi phạm, Tổng cục Hải quan đang tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ. |
Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan là các văn bản quy định chung có tính chất khung (về trình tự, thủ tục…) để xử lý tất cả các hành vi vi phạm pháp luật của công chức, viên chức trong thi hành công vụ. Tuy nhiên, các luật trên không thể cụ thể hóa các hành vi vi phạm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong từng lĩnh vực. Vì vậy, trong từng lĩnh vực cụ thể, Chính phủ có thể cụ thể hóa các hành vi vi phạm trong thi hành công vụ của lĩnh vực đó gắn với các chế tài xử lý tương ứng (khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc) trên cơ sở quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.Trong lĩnh vực XLVPHC, theo Bộ Tư pháp, do chưa có quy định về xử lý kỷ luật đối với vi phạm của cán bộ trong thi hành pháp luật (THPL) về XLVPHC nên có thể dẫn đến tình trạng, cùng một hành vi vi phạm của cán bộ trong THPL về XLVPHC nhưng mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi địa phương áp dụng một chế tài xử lý khác nhau, có nơi áp dụng chế tài kỷ luật cảnh cáo, có nơi áp dụng chế tài khiển trách… Cũng theo Bộ Tư pháp, kiểm tra công tác THPL về XLVPHC trong 5 năm vừa qua (kể từ thời điểm Luật XLVPHC có hiệu lực) cho thấy, các bộ, ngành, địa phương còn rất lúng túng, thiếu thống nhất trong quá trình triển khai, thực hiện. Về vấn đề xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm của người có thẩm quyền trong thi hành công vụ, theo Bộ Tư pháp đã xác định được một số sai phạm phổ biến của người có thẩm quyền xử phạt như: Xử phạt không đúng thẩm quyền, phạm vi, nội dung được giao; cố ý không ra quyết định xử phạt khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật…Thời gian qua, Bộ Tư pháp cũng đã phải xử lý theo thẩm quyền một số vụ việc, trong đó có trường hợp người có thẩm quyền thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính không chính xác gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân, DN. Đặc biệt, một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận như: Xử phạt vi phạm hành chính bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc ở tỉnh Đồng Nai; vụ việc “quán cà phê Xin chào” ở TP Hồ Chí Minh… Vì những lý do trên, theo ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), việc xây dựng Nghị định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong THPL về XLVPHC, trong đó quy định cụ thể hành vi vi phạm nào bị áp vào chế tài xử lý kỷ luật tương ứng là hết sức cần thiết, tạo nên sự thống nhất, minh bạch trong áp dụng pháp luật.Dự thảo Nghị định gồm 5 chương và 31 điều, quy định về kiểm tra tình hình THPL về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong THPL về xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, quy định rõ cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong THPL về xử lý vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định. Các hình thức xử lý gồm: Cảnh cáo, khiển trách, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức. Đặc biệt, hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức, viên chức giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính; chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra...