Nan giải tình trạng trốn thuế
Tình trạng khai gian giá chuyển nhượng BĐS diễn ra khá phổ biến. Mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã nhiều lần ra văn bản cảnh báo và việc trốn thuế, gian lận thuế là hành vi phạm pháp, nhưng vì lợi ích kinh tế trước mắt nên người dân, doanh nghiệp sẵn sàng “lách luật”.
Đại diện một sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội (xin được giấu tên) cho biết, hầu hết khách hàng khi “xuống tiền” để chốt mua sản phẩm cho dù là cao cấp hay bình dân qua sàn giao dịch này đều mong muốn ghi số tiền mua trên hợp đồng thấp hơn thực tế để được giảm bớt tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp cho Nhà nước.
“Đa phần người mua đều đề nghị ghi vào hợp đồng mua bán giá thấp hơn từ 10 – 30% giá thực tế. Đối với những sản phẩm giá thấp, số thuế mà người mua “né” được không nhiều, nhưng những sản phẩm có trị giá hàng chục hoặc vài chục tỷ đồng thì sẽ là một khoản tiền tương đối lớn” – đại diện sàn giao dịch BĐS cho hay.
Theo quy định tại Điều 200 Bộ Luật Hình sự 2015 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, cá nhân có hành vi nhằm trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc bị kết án về tội này, thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc bị kết án từ 3 – 12 tháng tù; Cá nhân vi phạm trốn thuế lần đầu với số tiền chưa đến 100 triệu đồng thì bị xử phạt hành chính, có thể bị phạt tiền cao nhất đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.
Thời gian gần đây, rất nhiều tổ chức, cá nhân bị cơ quan chức năng xử phạt hoặc khởi tố vì hành vi liên quan đến trốn thuế. Điển hình, vào cuối năm 2019, Công an Quận 10 (TP Hồ Chí Minh) đã xử lý một cá nhân chuyển nhượng căn hộ dự án Hado Centrosa Garden giá 5 tỷ đồng, nhưng hợp đồng công chứng bán lại ghi 1 tỷ đồng. Cuối năm 2021, Chi cục Thuế TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) ban hành quyết định xử phạt hành chính và truy thu thuế đối một cá nhân số tiền 187,5 triệu đồng do gian lận thuế khi bán hơn 13.000m2 đất.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng bị khởi tố bắt giam về hành vi trốn thuế, gian lận thuế, như: Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ BĐS Vincomreal (TP Hồ Chí Minh); Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Phát triển Đầu tư Xây dựng và Du lịch An Phú Thịnh (tỉnh Bình Định)...
Cấm giao dịch bằng tiền mặt
Với sự nổi cộm về việc “lách luật” như vậy, cơ quan chức năng đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở và giám sát. Cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Tổng cục Thuế về việc tăng cường chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
Mới đây nhất, Bộ Tư pháp cũng có Công văn số 489/2022/BTP-BTTP, đề nghị Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam chỉ đạo, xây dựng cơ chế giám sát các Hội Công chứng viên trong việc yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS, kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách Nhà nước; Cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động công chứng về BĐS nói riêng, xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền.
"Rất cần quy định bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng với các giao dịch nhà đất, sẽ giúp chống thất thu thuế, chống rửa tiền, đồng thời tạo minh bạch cho thị trường. Từ đó cũng có thể góp phần hạn chế tình trạng thổi giá, lũng đoạn gây bất ổn cho thị trường BĐS như thời gian qua." - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính
Trước nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước do trốn thuế, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lí, Tổng cục Thuế đã kiến nghị Bộ Tài chính yêu cầu giao dịch BĐS chỉ thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt, đơn vị giao dịch trên 20 triệu đồng phải thanh toán qua ngân hàng mới được khấu trừ thuế.
Đồng tình với đề xuất trên, chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển cho biết, chính sách thanh toán không dùng tiền mặt đã được Chính phủ triển khai nhiều năm qua, để đưa kinh tế phát triển hiệu quả, minh bạch. BĐS vừa là hàng hóa vừa là tài sản lớn càng cần được kiểm soát minh bạch, thanh toán qua ngân hàng chỉ có lợi, an toàn cho hai bên. “Việc giao dịch BĐS qua ngân hàng sẽ không khó khăn cho doanh nghiệp hay khách hàng khi thực hiện. Hơn nữa, phía cơ quan quản lý cũng dễ dàng kiểm soát nguồn tiền, thực hiện đúng quy định về nghĩa vụ thuế và truy xuất các giao dịch nếu cần” – TS Đinh Thế Hiển nhìn nhận.