Làm sao để Hà Nội giảm ùn tắc giao thông?

Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 10 năm qua, Hà Nội phải đối diện với một thực trạng đáng lo ngại là vấn nạn ùn tắc giao thông (UTGT) không ngừng diễn biến phức tạp.

Cùng với sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, chính quyền cũng như Nhân dân TP đang nỗ lực từng ngày, dốc sức giữ gìn trật tự, ATGT, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đạt tiến độ rất khả quan. Ảnh: Ngọc Hải
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đạt tiến độ rất khả quan. Ảnh: Ngọc Hải

Hạ tầng khung được quan tâm đầu tư

Hà Nội hiện có khoảng 7,9 triệu dân thường xuyên sinh sống, chưa kể người ngoại tỉnh về tạm trú. Tính đến ngày 14/5/2022, toàn TP có 7.671.551 phương tiện đăng ký lưu hành gồm: 1.034.510 ô tô; 6.458.009 mô tô; 179.032 xe máy điện. Ngoài ra còn một lượng không nhỏ phương tiện mang biển ngoại giao, biển quốc tế, xe công vụ, xe tỉnh ngoài, xe đạp... hoạt động thường xuyên.

Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, TP có tổng số 23.591km đường, trong đó gồm: 105 tuyến cao tốc, quốc lộ (QL) với tổng chiều dài 1.185,37km; 1.002 tuyến chính ra vào TP, đường đô thị với tổng chiều dài 1.028,77km, còn lại là các tuyến đường trong khu đô thị, đường huyện, xã, giao thông nông thôn, ngõ phố… Ngoài ra, Hà Nội còn có 6 bến xe khách liên tỉnh kết nối 41 tỉnh, TP, trung bình hoạt động 140.411 chuyến/tháng.

Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã và kết nối đến 6 tỉnh, thành lân cận với 1.769 xe buýt/148 tuyến (126 tuyến trợ giá). Ngoài ra còn có gần 20.000 xe taxi, chưa kể xe công nghệ; 4.738 xe hợp đồng. Đặc biệt, năm 2021, TP đã đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) đầu tiên của cả nước số 2A: Cát Linh - Hà Đông; dự kiến đưa đoạn tuyến Nhổn - Cầu Giấy vào vận hành cuối năm 2022.

Từ năm 2012 - 2022, tình hình trật tự, ATGT của Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, số điểm UTGT trong giờ cao điểm đã giảm từ 67 (năm 2013) xuống còn 35 điểm; TNGT bình quân mỗi năm giảm: 176 vụ (12,25%), 32 người chết (5,59%), 175 người bị thương (17,07%). Tuy nhiên, TNGT gây tử vong tăng cao trên một số tuyến như: QL1A, QL6, QL21A, Đại lộ Thăng Long, đường Hồ Chí Minh...

10 năm qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông khung của TP đã được đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc, TNGT, tăng cường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh, TP trong khu vực, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực.

TP đã và đang hoàn thiện một loạt quy hoạch có tính chiến lược đối với mạng lưới giao thông TP như: Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch 11 tuyến đường cao tốc, trong đó 8 tuyến đã được hình thành.

TP còn có 5 tuyến vành đai đô thị và 2 tuyến vành đai liên vùng gồm: Vành đai 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5 đã và đang được triển khai thực hiện. 6 tuyến QL được đầu tư cải tạo, mở rộng gồm: QL1, 21B, 32, 21, 6, 5. 2 tuyến trục hướng tâm: Đại Lộ Thăng Long, Lê Văn Lương - Tố Hữu - Tố Hữu kéo dài từ Vành đai 3 đến đường trục phát triển kinh tế Bắc Nam cũng đã được đưa vào khai thác; 6 tuyến khác đang đầu tư. 7 tuyến cao tốc hướng tâm nối Thủ đô với: Lào Cai, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng, Ninh Bình, Bắc Ninh. TP cũng xác định mục tiêu xây dựng 18 cầu đường bộ (9 cầu đã xây xong), 6 cầu  ĐSĐT vượt sông Hồng.

Ùn tắc giao thông trên đường Giải Phóng, Hà Nội vào giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Hùng
Ùn tắc giao thông trên đường Giải Phóng, Hà Nội vào giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Hùng

10 nhóm giải pháp

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, để từng bước kém giảm ùn tắc, TNGT, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã giao Sở GTVT cùng các sở, ngành, quận, huyện tập trung vào 10 nhóm giải pháp chính. Bao gồm: Phát triển hạ tầng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách cho lĩnh vực GTVT; triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng; đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động mọi nguồn lực, đầu tư cho hạ tầng giao thông; tăng cường hiệu quả công tác bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý;

Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; chú trọng chất lượng trong quản lý, cấp phép người lái cũng như phương tiện xe cơ giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành GTVT; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông, nâng cao ý thức người dân; thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết vi phạm trong lĩnh vực GTVT.

Các chuyên gia cho rằng, trước tiên, Hà Nội cần di dời các cơ sở tập trung đông người ra khỏi trung tâm TP, nhằm phân bổ áp lực giao thông, kéo giảm UTGT. Hiện TP có khoảng 43 bệnh viện; 2.500 trường học từ bậc mầm non đến đại học; 338 chợ cóc, chợ tạm; 56.202 cơ quan; 135 khu cụm công nghiệp; 58.890 cơ sở kinh doanh có điều kiện. Rất nhiều trong số này đang nằm sâu trong lõi đô thị, là tác nhân gây UTGT cục bộ.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nói: “Hà Nội đã đặt mục tiêu di dời một số cơ sở ra ngoại thành nhưng nhiều năm qua chưa triển khai được. Nếu không quyết liệt hoàn thành mục tiêu đó, UTGT sẽ còn kéo dài hơn nữa”.

Cùng với đó là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương chia sẻ: “Hà Nội cần hàng trăm nghìn tỷ đồng để làm đường, xây cầu, đầu tư ĐSĐT. Số vốn đó phải có cơ chế khơi thông, kêu gọi từ nguồn xã hội hóa. Chính phủ đang rất quyết tâm và ủng hộ TP, đó là cơ hội lớn. TP cần kịp thời chuyển hóa thành kết quả”. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc đầu tư hạ tầng cần có lựa chọn, dự án nào cần trước, thuận lợi triển khai thì tập trung vốn thực hiện ngay.

Một giải pháp đáng chú ý là hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt lượng xe máy đã xấp xỉ bằng số dân thường trú. Nếu tiếp tục tăng cao từng ngày như hiện nay, không một cơ sở hạ tầng nào có thể đáp ứng được áp lực do xe cá nhân mang lại. Ngoài ra, theo thạc sĩ Đỗ Cao Phan khái quát, trong bối cảnh hiện nay, tăng cường tổ chức giao thông, xử phạt nghiêm vi phạm là một biện pháp vô cùng cần thiết và hữu hiệu. Đó vừa là chiến lược lâu dài, vừa là cứu cánh trước mắt cho mạng lưới giao thông còn nhiều bất cập của Hà Nội.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin thêm, Sở đã tham mưu cho TP, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có nhiều biện pháp thiết thực, hỗ trợ Hà Nội thực hiện nhiệm vụ giảm UTGT. Đặc biệt là việc di chuyển một số trường đại học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất... ra ngoại thành.

 

Nhìn vào những gì 10 năm qua Hà Nội đã làm có thể thấy nỗ lực vô cùng to lớn của cả hệ thống chính trị cũng như Nhân dân TP. Mạng lưới giao thông đã trở thành bàn đạp cho kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển vượt bậc.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành

Đọc tiếp