Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm sao để không đóng băng di sản trong thành phố sáng tạo?

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 23/11, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học “Di sản trong thành phố sáng tạo Hà Nội”. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế,  sáng tạo Hà Nội 2022.

Quan điểm bảo tồn di sản lỗi thời

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học nhấn mạnh, Hà Nội được xem là TP có quỹ di sản văn hoá phong phú, với gần 6.000 di tích lịch sử văn hoá, gần 1.800 di sản văn hoá phi vật thể, 12 nhóm với 149 bảo vật quốc gia, 4 bảo tàng công lập và 15 bảo tàng ngoài công lập đang lưu giữ, bảo quản hàng vạn hiện vật quý giá. Quỹ di sản phong phú này chính là nguồn lực để Hà Nội phát huy và là cơ sở cho sự phát triển của công nghiệp di sản.

Toàn cảnh buổi toạ đàm.
Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội: Không ít nơi, di sản bị coi là những trở lực cho quá trình phát triển. Quan điểm bảo tồn di sản văn hoá truyền thống theo các khuôn mẫu hiện nay khiến cho việc bảo tồn di sản được hiểu như một hoạt động tốn kém gắn liền với vai trò của Nhà nước và các tổ chức quốc tế.

Trong khi đó, sự phát triển của các đô thị hiện nay bao gồm các đô thị di sản đòi hỏi một sự phát triển sáng tạo, năng động, với sự tham gia của cộng đồng xã hội. Vì thế, việc bảo tồn các di sản vă hoá nên được hiểu trong mối quan hệ biện chứng với tính chất sáng tạo của các đô thị hiện đại trên thế giới.

Chính vì vậy, tại buổi toạ đàm, nhiều câu hỏi được đặt ra về những giới hạn sáng tạo đối với di sản để vẫn có thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản mà không để chúng biến mất. Về vấn đề này, TS Lư Thị Thanh Lê - Giảng viên bộ môn Công nghiệp văn hoá và sáng tạo chia sẻ: “Rất nhiều người e ngại sáng tạo ở các di sản văn hoá Việt Nam vì yếu tố bảo tồn nguyên gốc. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần mạnh dạn thể nghiệm với di sản. Nhưng trong quá trình đó, cần cân nhắc đến ý tưởng, những tác động của sáng tạo tới di sản, tác động tới cộng đồng di sản đó để điều chỉnh ở mức tốt nhất”.

Bảo tồn cũng là biến đổi

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng đặt vấn đề, tranh luận về 2 yếu tố sáng tạo và di sản. Theo một số diễn giả, bảo tồn di sản và sáng tạo là 2 điều đối lập, hỗ trợ cho nhau. Sáng tạo cần đến di sản để được neo lại trong không gian và thời gian. Bởi di sản là nguồn cung cấp ý tưởng, cảm hứng và những câu chuyện để sáng tạo; để những ý tưởng sáng tạo hiện hữu trên di sản không bị lãng quên. Và đặc biệt, sáng tạo trên kiến trúc di sản vượt lên những tính chất tiêu khiển, giải trí nhất thời. Ngược lại đối với di sản, yếu tố sáng tạo sẽ góp phần tôn vinh và làm mới các giá trị nổi bật; khuyến khích sự tưởng tác và chia sẻ của cộng đồng. Bởi thực tế cho thấy, di sản hiện nay rất mong manh và dễ bị tổn thương.

Các nhà khoa học, chuyên gia trao đổi, thảo luận.
Các nhà khoa học, chuyên gia trao đổi, thảo luận.

KTS Lê Phước Anh - Trưởng bộ môn Đô thị và Kiến trúc bền vững cho rằng không nên “đóng băng” di sản tại các bảo tàng nếu không muốn chúng biến mất nhanh hơn. Nếu muốn di sản "sống", chúng ta phải buộc phải thay đổi và sáng tạo nó. Còn nếu chỉ đóng băng và giữa nguyên hiện trạng chỉ khiến di sản chết nhanh hơn.

Mặt khác theo đại diện UNESCO, tổ chức này chỉ đưa các di sản vào danh mục, ghi danh chứ không khuyến khích việc vinh danh hay xếp hạng di sản vì như vậy sẽ đánh giá di sản này tốt hơn di sản kia. Đó là lý do, UNESCO có nhiều sáng kiến khác như thành lập mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Thông qua mạng lưới đó, các TP tham gia sẽ có chương trình phát triển văn hóa, đặt văn hóa là trung tâm sự phát triển. Trong xã hội đương đại, chúng ta không chỉ bảo tồn mà cần có sự tham gia liên ngành để di sản vẫn tồn tại.

 

Di sản không phải của quá khứ mà là khát vọng của đương đại. Di sản kết nối và sử dụng quá khứ cho nhu cầu hiện tại với tầm nhìn tương lai. Với vai trò kết nối, di sản là một bộ phận không thể tách rời với sự vận động của xã hội và đời sống kinh tế hiện đại. Ngoài những giá trị lịch sử và thẩm mỹ, di sản dù là vật thể hay phi vật thể đều là một tài sản độc đáo được tạo ra trong không gian đương đại kết nối với không gian hiện đại tạo ra những giá trị, căn tính xã hội và truyền cảm hứng cho hoạt động của con người hiện đại.

PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương – Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội