Làm “sống lại" 4 sông trong nội đô Hà Nội: Còn nhiều việc phải làm

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định các mục tiêu ưu tiên để phục hồi và phát triển 4 dòng sông nội đô Hà Nội (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét), các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần làm rõ hơn tính khả thi của các giải pháp được đề cập trong dự thảo đề án.

Đặc biệt, cần sớm đưa Đề án vào Luật Thủ đô, hoàn thiện trình UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt và triển khai Đề án.

Giải pháp cần mang tính khả thi

Việc phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô thuộc khu vực trung tâm TP Hà Nội, gồm: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét là 1 trong những nhiệm vụ thuộc Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, về xử lý vấn đề môi trường được UBND TP phê duyệt từ tháng 12/2021.

Công tác cải thiện chất lượng nước sông, đặc biệt là các quận nội đô của Thủ đô đã được Hà Nội quan tâm, chỉ đạo. Một số dự án đã, đang được thực hiện để góp phần cải thiện ô nhiễm các con sông, trong đó có Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” do Sở TN&MT Hà Nội xây dựng năm 2022.

Nhân viên môi trường vớt rác trên mặt sông Sét. Ảnh: Ngọc Thành
Nhân viên môi trường vớt rác trên mặt sông Sét. Ảnh: Ngọc Thành


Tại Tọa đàm “Làm “sống lại” 4 con sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” mới đây, các nhà quản lý, nhà khoa học và giới nghiên cứu đã trao đổi, làm rõ hơn tính khả thi của các giải pháp được đề cập trong dự thảo Đề án, từ đó hoàn thiện trình UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt và triển khai.
Nêu thực trạng 4 dòng sông nội đô Hà Nội hiện nay, Chủ trì tư vấn lập Đề án, PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết, vai trò thoát nước của hệ thống 4 sông nội đô luôn rất quan trọng, nhưng thực trạng ô nhiễm đã và đang ở mức báo động.

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa, đặc biệt là sức ép dân số cơ học trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng tăng, dẫn đến các vấn đề và thách thức trong việc quản lý hệ thống sông nội đô. Xây dựng Đề án, Sở TN&MT Hà Nội đặt 3 mục tiêu: ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm chất lượng môi trường nước trên hệ thống sông nội đô đáp ứng các quy chuẩn về môi trường. Đóng góp vào việc đáp ứng các tiêu chí TP "xanh - thông minh - sáng tạo”, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường, khôi phục các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của dòng sông, gắn với hệ sinh thái nhân văn các khu định cư truyền thống và khu phát triển mới dọc sông.

“Thời gian qua, dù TP Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả thoát nước và cải thiện chất lượng nước 4 con sông nội đô. Tuy nhiên, quá trình thực thi, tổ chức điều hành các chương trình, dự án còn thiếu tính chủ động, chưa tích hợp trong xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả hơn từ các nguồn lực xã hội…” - PGS.TS Trần Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Cân bằng dòng chảy

Bàn về vấn đề này, GS.TS Trần Đức Hạ - Ủy viên BTV Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam thẳng thắn, đặc điểm thoát nước của TP Hà Nội là hệ thống thoát nước chung, nên đối tượng xả thải dọc 4 sông không thể thu gom vào hệ thống chung đang chiếm tới 12% tổng lưu lượng nước thải.

Do vậy, Đề án cần tính đến 2 giải pháp công trình và phi công trình. Về giải pháp công trình nên khảo sát, điều tra đánh giá tổng thể hiện trạng sông hồ nội đô (lưu vực 77,5km2 sông Tô Lịch); đánh giá về chức năng và khai thác tài nguyên nước, cân bằng nước các mùa mưa và khô, quan hệ thủy văn các thủy vực trong lưu vực, các thủy vực chính liên quan đến sông Hồng và sông Nhuệ, chất lượng nước và tình hình ô nhiễm nước sông hồ...

Ngoài ra, khôi phục dòng chảy (lưu lượng và chất lượng) 4 sông nội đô, trước mắt là sông Tô Lịch, tiếp là sông Kim Ngưu, Lừ, Sét theo các bước: thu gom và xử lý nước thải (kể cả nước thải công trình thoát nước tập trung và phân tán) bảo đảm quy chuẩn môi trường trước khi xả vào sông; xử lý ô nhiễm tồn lưu trong sông (nạo vét và xử lý bùn ô nhiễm); kè và cải tạo bờ bảo đảm ổn định cho sông; bổ cập nước sạch cho sông mùa khô theo yêu cầu dòng chảy môi trường, sinh thái... Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng và chế độ thủy văn các sông hồ nội đô (lưu vực sông Tô Lịch và hồ Tây).

Với các giải pháp phi công trình, GS.TS Trần Đức Hạ kiến nghị rà soát lại Quy hoạch thoát nước Hà Nội, đề xuất đưa các giải pháp công trình để xem xét điều chỉnh trong Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch thoát nước Hà Nội. Rà soát lại danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và phạm vi bảo vệ hành lang nguồn nước sông hồ nội đô, trong đó có dành quỹ đất dọc hai bờ các sông nội đô để vận hành khai thác, xây dựng các công trình văn hóa, du lịch ven sông hồ...

Tính toán kỹ để bảo đảm các quy định của luật

Đồng tình với các mục tiêu của Đề án, song PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu KH&CN phục vụ quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng, việc khái toán cho Đề án cần được xem xét, rà soát tính toán lại một cách chi tiết, cụ thể với những con số gần đúng và phù hợp với thực tế, tránh chung chung về mặt số liệu.

“Cần rà soát lại danh mục dự án cũng như xem xét khả năng của nguồn đầu tư bảo đảm tính đồng bộ. Các con số khái toán cần phù hợp với thực tế, vì đây sẽ là phần phụ lục đính kèm khi xem xét phê duyệt Đề án” - PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến đề cập.

Cho rằng cần lựa chọn thời điểm để triển khai Đề án, TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội lưu ý, trong bối cảnh quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến phải đến năm 2024 mới xong; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn 2065 sẽ rất lâu mới hoàn thiện; Luật Thủ đô (sửa đổi) có bàn đến vấn đề sông hồ của Hà Nội, nhưng chỉ chú trọng vấn đề phát triển 2 bờ sông Hồng... do đó nếu không tiếp cận và đưa Đề án khôi phục, cải tạo những dòng sông nội đô vào trong Luật, quá trình triển khai sau này sẽ rất khó được phê duyệt. Bởi trong Luật đã không có chính sách nào ưu tiên cho vấn đề này.

“Trong bối cảnh Hà Nội có 2 quy hoạch đang được thực hiện và Luật Thủ đô (sửa đổi) đang chờ phê duyệt, Đề án còn thiếu nhiều yếu tố đầu vào, nguồn đầu tư… Nên nếu trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có chủ trương vấn đề này thì việc cấp phép đầu tư cho Đề án mới thành công, nếu không Đề án nghiên cứu sẽ khó khả thi. Do đó, Sở TN&MT cần nghiên cứu kỹ về thời điểm thực hiện và thời hạn chuyển giao, trong đó ưu tiên đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và ổn định dòng chảy cho 4 dòng sông nội đô” - TS. Đào Ngọc Nghiêm khuyến nghị.

 

Để sống lại các dòng sông này phải có dòng chảy tối thiểu đạt 0,3m3/s khi đó mới cho phép xả thải trực tiếp vào sông. Chỉ khi có dòng chảy, các sông sẽ có cơ chế tự làm sạch tự nhiên, không làm ô nhiễm cho lưu vực sông. Làm đập sông Hồng dâng nước cho Hồ Tây hay 4 sông nội đô không bảo đảm về mực nước cũng như cao độ. Lắp đặt trạm bơm bổ trợ nguồn nước cho các sông đạt tốc độ tối thiểu nghe có vẻ sẽ tốn kém, nhưng nếu xét về mặt xã hội và tổng hòa nền kinh tế quốc dân sẽ không lãng phí. Vì bơm nước cho sông chảy sẽ bảo đảm đa mục tiêu làm sạch sông, cung cấp nguồn nước tưới, nguồn nước mặt cũng như bổ sung cho hệ thống nước ngầm.
GS.TS Dương Thanh Lượng -
nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủy lợi