Loay hoay vấn đề vốn
Đại diện Đại học Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm hiện mới chỉ tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB) được khoảng 39ha, chiếm khoảng 13% tổng diện tích. Khái toán chi phí xây dựng ở thời điểm hiện tại là trên 7.000 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí cho công tác GPMB khoảng, xây dựng một số công trình chức năng trong giai đoạn 2018 - 2020 khoảng 3.700 tỷ đồng.
“Trong giai đoạn 1997 - 2017 tổng kinh phí của Bộ GD-ĐT rót cho dự án này khoảng 300 tỷ đồng. Công tác bồi thường GPMB gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn” - vị đại diện này cho hay.
Cuối tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng tỷ lệ 1/2000. Tổng quy mô phục vụ đến năm 2035 gồm 60.000 sinh viên và khoảng 3.000 giảng viên, cán bộ; dân cư hiện trạng và phát triển mới khoảng 5.000 người.
Cũng trong năm này, Thủ tướng Chính đã đồng ý với đề xuất của Bộ KH-ĐT tại Công văn 7865/BKHĐT-TH về việc bố trí 1.000 tỷ đồng, từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn của cả nước, giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai thực hiện dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng. Dự kiến trong năm 2020, Chính phủ sẽ bố trí cho dự án khoảng 500 tỷ đồng.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Minh Ngọc cho biết, Khu đô thị Đại học Đà Nẵng được đánh giá là dự án trọng điểm quốc gia về giáo dục, nhưng nếu nhìn vào số lượng vốn mà Chính phủ rót vào dự án này trong thời gian qua là hết sức hạn chế.
“Trong thời gian qua chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay đi tìm nguồn vốn để thực hiện GPMB và xây dựng khu tái định cư cho người dân. Theo nhận định của tôi thì việc không cân đối được nguồn tài chính là nguyên nhân chính khiến cho dự án bị chậm triển khai” - ông Ngọc nhìn nhận.
Huy động vốn theo hình thức BT?
Giữa tháng 5/2020, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng, tỷ lệ 1/2.000. Theo đánh giá của các chuyên gia tham dự Hội nghị, đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng, tỷ lệ 1/2.000 đã được lập cơ bản đáp ứng và phù hợp với nội dung các yêu cầu của nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 227/2019/QĐ-TTg.
Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, hiện nay chính quyền địa phương chưa thống nhất được vấn đề liên quan đến phương án triển khai tái định cư. Trong khi đó, Đại học Đà Nẵng đang tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới để triển khai các quy trình, thủ tục vay vốn ODA cho dự án.
“Nếu chính quyền không thực hiện GPMB theo đúng tiến độ thì sẽ không được giải ngân vốn vay. Hoặc nếu đối tác có cho vay thì việc chậm trễ trong GPMB sẽ làm lãng phí nguồn vốn vay do phải trả nợ và lãi” - ông Vũ cho hay.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành cho biết, vấn đề nan giải nhất của dự án này liên quan đến vốn đầu tư, đặc biệt là trong giai đoạn như hiện nay, nguồn vốn đầu tư công ngày càng được siết chặt, nên khó có thể trông đợi việc Chính phủ sẽ có một khoản tiền lớn như vậy trong một thời điểm để dự án này có thể “tái khởi động trở lại” được.
“Ủng hộ phương án vay vốn ODA để triển khai dự án. Nhưng trong trường hợp bất khả kháng Chính phủ cũng có thể cân nhắc xây dựng theo hình thức đối tác công tư PPP, bằng loại hợp đồng xây dựng – chuyển giao BT, có như vậy mới có thể giúp cho dự án nhanh chóng được đi vào triển khai” – ông Thành nói.