Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm thế nào để du lịch Kiên Giang luôn ổn định?

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 năm Kiên Giang định hướng chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mặc dù đạt được những kết quả ấn tượng nhưng bài toán đặt ra làm thế nào để du lịch luôn ổn định, phát triển lâu dài, đòi hỏi chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng làm.

Nâng chất lượng du lịch

Trong 5 năm từ 2018 đến 2023, tỉnh Kiên Giang đã đón tiếp khoảng 37 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế hơn 2 triệu lượt. Tổng doanh thu đạt 66.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt hơn 6%/năm.

Nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách là một trong những vấn đề cốt lõi của ngành du lịch Kiên Giang. Ảnh Hữu Tuấn
Nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách là một trong những vấn đề cốt lõi của ngành du lịch Kiên Giang. Ảnh Hữu Tuấn

Từ 2018 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh thu hút được 50 dự án đầu tư du lịch. Tính đến nay, toàn tỉnh có 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 9.663ha và tổng vốn đầu tư là 372.484 tỷ đồng; trong đó có 76 dự án đã đi vào hoạt động với tổng quy mô 1.301ha và tổng vốn đầu tư 18.114 tỷ đồng; 81 dự án đang triển khai xây dựng với tổng diện tích 4.253ha và tổng vốn đầu tư khoảng 194.931 tỷ đồng; 160 dự án đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư với tổng quy mô 4.109ha và tổng vốn đầu tư ước thực hiện 159.438 đồng.

Đây là những con số ấn tượng về việc phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang, nhưng nhiều người vẫn cho rằng việc phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh. Đòi hỏi địa phương phải nâng cao chất lượng dịch vụ mới đưa ngành du lịch vươn ới đỉnh cao.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Vina Phú Quốc cho biết: khảo sát các nước điều vắng khách, chủ yếu khách nội địa là chính, chưa có nhiều khách quốc tế chỉ trừ Thái Lan. Nguyên nhân do thế giới biến động và thay đổi, kinh tế suy giảm nên kéo theo chi tiêu suy giảm, chưa kể khách du lịch nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa biết tới Phú Quốc, mập mờ với vẻ đẹp Phú Quốc. Thiếu nguồn nhân sự có trình độ cao, năng lực phục vụ khách cao cấp và quốc tế.

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng: Sự phát triển của các vùng du lịch không đồng đều, có phần tập trung cho TP Phú Quốc; các vùng du lịch còn lại xa trung tâm TP, giao thông đi lại khó khăn, tuyến đường trọng yếu phần lớn xuống cấp nên việc kết nối tour, tuyến du lịch không thuận lợi; Doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh (trừ Phú Quốc) quy mô còn nhỏ, hoạt động kinh doanh còn thụ động, khả năng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch hạn chế, thiếu quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, liên kết các khẩu trong hoạt động kinh doanh du lịch chưa tốt, năng lực cạnh tranh yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao, nhận thức của một số doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch bền vững còn hạn chế...

“Cơ chế, chính sách đối với tổ chức và cá nhân quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích chưa có. Quá trình đô thị hóa tự phát một số nơi làm ảnh hưởng đến hiện trạng, cảnh quan, môi trường di tích, ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Năng lực tham mưu, đề xuất cụ thể hóa và phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch của các ngành chức năng, chính quyền các huyện, TP tại các vùng du lịch trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bên vững và nâng cáo chất lượng của ngành du lịch trong tình hình hiện nay” ông Trung nhấn mạnh.

Tạo nhiều sản phẩm du lịch đa dạng

Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết, địa phương tiếp tục kiến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách đột phá cho Phú Quốc, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực, tạo điều kiện cho Phú Quốc phát triển trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và Quốc tế.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách đến với địa phương. Ảnh Hữu Tuấn
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách đến với địa phương. Ảnh Hữu Tuấn

“Quan tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và sớm hoàn thành các công trình, dự án trên địa bàn Phú Quốc, nhất là công trình, dự án trọng điểm như: Cảng Hành khách quốc tế Dương Đông; Quảng trường - tượng đài Bác Hồ; Dự án đầu tư xây dựng Khu phi thuế quan Phú Quốc... Tăng cường công tác quản lý, giảm sát các dự án đầu tư; kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư các dự án chậm tiến độ thực hiện, vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Tổ chức các hội thảo, giao lưu, kết nối du lịch - thương mại quốc tế tại Phú Quốc, kết nối lại, mở rộng thêm các tuyến bay quốc tế đến Phú Quốc và ngược lại, ông Phạm Văn Nghiệp mông muốn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy cho rằng: Chủ yếu phát triển lưu trú nên còn thiếu lễ hội, sự kiện tầm vóc quốc tế, trung tâm thương mại, văn hóa thể thao lớn và định kỳ. Nhất là các show diễn hay chương trình biểu diễn mang tính lịch sử địa phương. Tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng: du lịch - văn hóa - lịch sử. Tập trung vào: truyền thông điểm đến - địa phương ra quốc tế, có kế hoạch riêng cho Phú Quốc để đẩy mạnh địa điểm du lịch trọng tâm. Phải có nhạc trưởng để triển khai các chương trình kích cầu: cân đối hoài hòa lợi ích các bên tham gia, nhằm có sản phẩm truyền thông…

Theo lãnh đao UBND TP Hà Tiên cho biết: Để phát huy tiềm năng, lợi thế đầu tư và phát triển du lịch TP Hà Tiên trong thời gian tới cần phát huy tốt vai trò của 3 trụ cột chính là: Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Trong đó, vai trò của nhà nước cần có sự tập trung nhiều hơn, mạnh hơn ở các giải pháp như: Quy hoạch, đầu tư hạ tầng, ưu tiên cơ chế chính sách đặc thù tạo thuận lợi cho từng vùng du lịch, từng địa phương khai thác được nhiều nguồn lực cho phát triển, tạo nền tảng, định hướng, tạo động lực cho doanh nghiệp và nhân dân tham gia phát huy tốt trong khai thác phát triển du lịch.