Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Làm thế nào để ngăn chặn xu hướng dựng tượng đài hoành tráng?

Kinhtedothi - Mỗi năm, Bộ VHTT&DL tới tấp nhận được đề xuất xin xây mới các công trình này, thậm chí nhiều địa phương chấp nhận “đi cửa sau” để được có tên trong bản quy hoạch.
340 công trình tượng đài trên cả nước là con số không hề nhỏ. Thế nhưng, mỗi năm, Bộ VHTT&DL tới tấp nhận được đề xuất xin xây mới các công trình này, thậm chí nhiều địa phương chấp nhận “đi cửa sau” để được có tên trong bản quy hoạch. Để lý giải cho xu thế thích xây to, hoành tráng và làm sao để ngăn chặn tình trạng đề xuất đầu tư ngàn tỷ xây tượng đài như Sơn La, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia, là nhà quản lý, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư có nhiều công trình tượng đài xây dựng thành công.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: 

Việt Nam đang thiếu vườn tượng hơn tượng đài

Tôi cho rằng, không thể từ sự kiện đề xuất 1.400 tỷ đồng xây dựng tượng Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc của tỉnh Sơn La mà cho rằng Việt Nam không nên dựng tượng đài hoành tráng, tượng đài lớn. Chúng ta còn nhớ tượng đài mẹ Thứ ở Quảng Nam, khi chuẩn bị đầu tư, cũng nhận được rất nhiều ý kiến phản ứng. Nhiều người cho rằng, 410 tỷ đồng đầu tư cho một công trình tượng đài là quá lớn, trong khi người dân Quảng Nam còn nghèo. Thế nhưng, đến giờ ai cũng công nhận bức tượng mẹ Thứ là một công trình nghệ thuật rất đẹp, và 410 tỷ đồng không phải đầu tư cho riêng bức tượng mà là cả quần thể công trình. Cùng với Hội An, thánh địa Mỹ Sơn thì không gian tượng đài mẹ Thứ sẽ là di sản văn hóa nghệ thuật lưu giữ giá trị cho mảnh đất này. Tuy nhiên, tượng đài mẹ Thứ được lên kế hoạch thực hiện rất cẩn thận, lộ trình kéo dài 7 - 8 năm, nên đạt được hiệu quả cao. Nhìn lại đề án xây tượng ở Sơn La, tôi không hiểu dựa trên các căn cứ gì mà UBND tỉnh này có thể đưa ra mức đầu tư 1.400 tỷ đồng. Cho dù UBND tỉnh Sơn La có giải thích ra sao, có cho rằng số tiền đó bao gồm cả việc xây dựng khu hành chính mới thì cũng chưa rõ. Cho đến nay, với vai trò là thành viên duyệt mẫu phác thảo tượng đài Bác ở tỉnh Sơn La, tôi có thể khẳng định chưa có mẫu phác thảo nào được lựa chọn. Mẫu phác thảo chưa được lựa chọn thì chưa có thiết kế chất liệu, quy mô… vì thế chưa thể ra tiền đầu tư.
Nói về xu hướng hoành tráng và phổ cập tượng đài phải nhắc đến dự thảo Quy hoạch hệ thống tượng đài trên TP Hà Nội từ nay đến năm 2030, được cơ quan chuyên môn đưa ra hồi cuối năm 2014. Trong bản dự thảo đó người ta cũng đề ra mỗi quận, huyện sẽ có một hệ thống tượng đài. Đề xuất này gặp phải phản ứng rất mạnh của cơ quan truyền thông. Rất may Hà Nội kịp thời dừng lại, chỉnh sửa dự thảo quy hoạch. Hà Nội cần quan tâm đến vấn đề tượng đài hơn các địa phương khác. Theo tôi, ở Hà Nội đến nay chỉ có tượng đài Lê Nin là giải quyết được ngôn ngữ tượng và không gian xung quanh. Hà Nội cần giải quyết những tượng xấu hơn là xây dựng tượng mới, hoành tráng, ví như: tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh cần di dời vì phá hủy không gian của đền bà Kiệu.
Muốn ngăn chặn xu hướng hoành tráng tượng đài, cơ quan quản lý Nhà nước phải xây dựng chiến lược dài lâu. Chúng ta phải nhìn nhận Việt Nam đang thiếu các vườn tượng hơn là tượng đài. Ở nơi công sở, khu vui chơi công cộng có không gian là có thể đặt được các bức tượng nhỏ. Những bức tượng đặt trong không gian hẹp thường mang lại sự nhẹ nhàng, giá trị thẩm mỹ, không gây “sốc” về cảm giác như tượng đài.
Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm: 

Tư duy quy mô không phụ thuộc vào người làm nghề

Phải khẳng định, xây dựng tượng đài không có trong lịch sử ngành mỹ thuật Việt Nam. Việc đặt hàng các công trình mỹ thuật công cộng, trong đó có tượng đài là nhu cầu của địa phương, của bộ ngành, tức là khi địa phương có nhu cầu thì ngành mỹ thuật tham gia để thực hiện về mặt chuyên môn cho các công trình. Trong khi đó, hiện nay, rất nhiều người trong xã hội thích làm tượng đài to, thích lập kỷ lục, thích hoành tráng. Thay đổi tư duy này không hề đơn giản, nó là xu thế nhiệm kỳ, các vị lãnh đạo luôn muốn làm một công trình hoành tráng để đời, để Nhân dân có thể ghi nhớ nhiệm kỳ đó đã xây dựng được một tượng đài to lớn. Có những việc liên quan đến hình thức nghệ thuật nhưng giới mỹ thuật, giới kiến trúc không thể can thiệp, mà do nhiều yếu tố khác. Để thay đổi được xu hướng thích to, thích hoành tráng, cần sự vào cuộc của các nhà lãnh đạo cũng như giới truyền thông.
Theo khảo sát của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, hiện nay Việt Nam có 340 công trình tượng đài, trong đó có 134 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng trong khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị, tại quảng trường, trung tâm hành chính của của các tỉnh, thành. Từ năm 2004 trở về trước, việc xây dựng tượng đài không có trong quy hoạch, từ năm 2006 đến 2010, Chính phủ có phê duyệt quy hoạch kéo dài trong 5 năm. Tuy nhiên, 5 năm qua, khi quy hoạch hết hiệu lực, nhu cầu xây dựng tượng đài của các địa phương vẫn còn rất lớn. Năm 2015, Bộ VHTT&DL nhận được 54 đề xuất xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh. Thế nhưng, không phải đề xuất nào cũng có thể chấp nhận được, nếu không đáp ứng được các tiêu chí đề ra. Hiện nay, Bộ VHTT&DL đã trình Chính phủ bản dự thảo Quy hoạch tượng đài Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tuy bản quy hoạch này không đưa ra được mức trần đầu tư cho tượng đài, nhưng cũng khuyến cáo được các địa phương không đầu tư tràn lan, hoành tráng và tốn kém.
KTS Lê Hiệp:
Hội đồng thẩm định mỹ thuật thường “phớt lờ” quy định

Tôi vẫn nhớ câu chuyện làm tượng đài cho đài tưởng niệm Bắc Sơn. Vào đầu năm 1992, UBND TP Hà Nội đã mở một cuộc thi thiết kế đài liệt sĩ Bắc Sơn - một đài tưởng niệm mang ý nghĩa chính trị tầm quốc gia tại một vị trí quan trọng ở Thủ đô. Ý tưởng tác phẩm của tôi rất giản dị. Tôi cũng chỉ định làm ra ngôi miếu và tấm bia nhưng không phải bằng cách xây lên hoặc đắp vào mà là đào xuống hoặc khoét đi, khoét sâu đến mức đục thủng. Một số phụ liệu đi kèm cũng là những gì người Việt thường dùng để tưởng nhớ người đã khuất: hoa lá, cỏ cây, mây trời, hương khói… Có lẽ chính vì sự giản dị, không hoành tráng nên người ta chấm phương án của tôi xếp loại hai. Rất may khi ấy, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp đến văn phòng UBND TP Hà Nội nghe thuyết trình, và chọn thiết kế của tôi.
Cho đến tận bây giờ, Đài tưởng niệm Bắc Sơn vẫn là cuộc lao động nhọc nhằn nhất mà tôi đã kinh qua. Bởi vì, một hội đồng với sự hiện diện của bốn Thứ trưởng cùng toàn thể hai đoàn Chủ tịch của hai hội chuyên ngành và một Trưởng ban quản lý ngoài lĩnh vực kiến trúc, thì những người làm nghề như tôi chẳng hề cảm thấy dễ chịu. Nhưng cũng từ đây tôi biết thêm được rất nhiều điều: Biết bảo thủ, biết lỳ lợm, biết im lặng, biết xin phép rút lui và khó hơn cả là biết chịu thiệt để cố giữ cho công trình được trọn vẹn như mình hằng mong ước.
Theo quy định, tham gia Hội đồng mỹ thuật để thẩm định các đề án xây dựng tượng đài phải là những họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư có uy tín, chuyên môn cao theo tỷ lệ: 2/3 là các nhà chuyên môn mỹ thuật, 1/3 là các nhà quản lý. Tuy nhiên, quy định này hầu như đã bị “phớt lờ” bởi tại nhiều địa phương hội đồng các nhà chuyên môn mỹ thuật không được một phần hai số thành viên, còn lại là đại diện các Sở Tài chính, KH&ĐT, GTVT... Thế mới có chuyện, nhiều tượng đài không mang giá trị nghệ thuật, vừa làm đã hỏng. Và cũng không ai cũng có được may mắn như lần làm Đài tưởng niệm Bắc Sơn như tôi.
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
An Giang thể hiện tinh thần cầu thị, khát vọng vươn lên trong kỷ nguyên mới

An Giang thể hiện tinh thần cầu thị, khát vọng vươn lên trong kỷ nguyên mới

16 Jul, 10:15 AM

Kinhtedothi – Tỉnh An Giang vừa tổ chức thành công “Hội thảo khoa học định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025 - 2030”. Sự kiện được ví như một “Hội nghị Diên Hồng” với sự có mặt của gần 300 đại biểu là lãnh đạo Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, những cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ…

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ