TP Hồ Chí Minh có 42.256 nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê
Chiều 14/9, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo định kỳ nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Chủ trì cuộc họp là ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Một trong nhiều vấn đề được dư luận quan tâm là làm thế nào để thoát an toàn ra khỏi đám cháy trong chung cư hoặc trong căn hộ của mình.
Vấn đề nêu trên được Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh trả lời. Theo thượng tá Hà, qua rà soát trên địa bàn TP hiện nay không có chung cư mini vì trong luật chưa có khái niệm chung cư mini, chỉ có 42.256 cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH).
Đa số các nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê đều được trang bị, lắp đặt hệ thống PCCC theo quy định. Tuy nhiên, căn hộ cho thuê nói chung, nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh luôn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy và cháy lan do quá trình sinh hoạt sử dụng nhiều thiết bị điện không đúng cách, không an toàn, việc câu mắc, lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện không đảm bảo dễ dẫn đến các sự cố cháy, nổ phát sinh.
Căn hộ không được trang bị đầy đủ các phương tiện, hệ thống chữa cháy ban đầu. Hoặc có trang bị, nhưng không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ như: bình chữa cháy, hệ thống báo cháy, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chống sét, đèn chiếu sáng sự cố từng phòng ở, hành lang dẫn đến hư hỏng, không hoạt động. Do đó nguy cơ cơ xảy ra cháy, nổ luôn thường trực.
Không có lực lượng được tập huấn nghiệp vụ PCCC túc trực thường xuyên nên không kịp thời xử lý tình huống ban đầu. Người dân cư trú tại các nhà trọ, nhà cho thuê không được trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC. Nguy hiểm nhất hiện nay là, các nhà cho thuê cao tầng có hầm giữ xe và không được thiết kế lắp đặt hệ thống PCCC và giải pháp an toàn khi có cháy xảy ra dễ xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người khi cháy hầm giữ xe.
Làm thế nào để thoát nạn khi xảy ra cháy?
Để thoát nạn trong đám cháy, Thượng tá Lê Mạnh Hà đưa ra nhiều hướng dẫn đã được đúc kết qua thực tế.
Theo đó, qua thống kê, điều tra nguyên nhân các vụ cháy tại nhà chung cư, nhất là là chung cư cao tầng trong thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, thì các vụ cháy nguy hiểm nhất, dễ gây cháy lan và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người là các vụ cháy xuất phát cháy từ hầm để xe và nhà chung cư có thiết kế cầu thang bộ (kể cả thang máy) đi từ hầm để xe lên các tầng nhưng không thực hiện nghiêm các giải pháp an toàn về thoát hiểm cho cầu thang bộ (buồng thang không kín; tăng áp buồng thang…). Đối với những trường hợp này, đám cháy và khói độc nhanh chóng lan tỏa theo cầu thang lên các tầng tòa nhà, khi xảy ra cháy người dân tìm cách thoát ra an toàn theo cầu thang bộ để xuống đất và bị ngạt khói, bị cháy gây nguy hiểm đến tính mạng.
Do vậy khi gặp cháy trong chung cư, mọi người cần làm những việc sau để đảm bảo an toàn khi thoát nạn ra khỏi đám cháy. Đó là cố gắng bình tĩnh xác định khu vực an toàn và khu vực cháy. Xác định rõ để giải quyết tình huống theo 2 trường hợp: thứ nhất, đám cháy xảy ra trong căn hộ của mình, nếu không dập tắt được đám cháy thì tìm cách thoát ra khỏi khu vực cháy, đóng cửa ngăn khu vực cháy với khu vực khác để không cháy lan, thoát ra khỏi căn phòng, căn hộ. Nếu không thoát ra được cửa trước, thì thoát ra phía sau căn hộ (không trốn vào nhà vệ sinh) để thoát hiểm chờ lực lượng cứu hộ (hoặc thoát sang căn hộ khác).
Thứ hai, khi đám cháy xảy ra ngoài căn hộ của mình, cần xác định khu vực cháy và khói nguy hiểm để tránh xa, tuyệt đối không thoát ra lối cầu thang bộ (thang máy) để xuống đất bằng mọi giá. Trường hợp mở cửa căn hộ thấy hành lang bộ đã có cháy, có khói thì đóng hết cửa căn hộ phía trước (cả phía sau nếu thấy khói ở 2 phía), không cho khói vào căn hộ. Lấy giẻ, khăn bịt kín lổ hổng ngăn không cho khói vào phòng, thực hiện các biện pháp an toàn cho bản thân, gọi điện thoại để lực lượng PCCC biết, cứu hộ.
Nếu không thể xử lý tình huống nêu trên, thì dựa vào một số kỹ năng cơ bản: khi căn hộ có khói bao trùm, không thể đứng di chuyển an toàn, cần cúi khom lưng và men theo tường. Phải tìm ra lối thoát hiểm theo đèn hoặc thông báo chỉ dẫn. Nếu không còn cách nào khác buộc phải phải băng qua lửa hoặc khói, phải dùng mặt nạ phòng độc hoặc chăn, quần áo, khăn ướt trùm lên đầu và mặt. Khi mở cửa cần kiểm tra nhiệt độ cánh cửa, tránh để lửa tạt vào người. Nếu lối thoát hiểm nhiệt độ tăng dần thì phải tìm lối thoát khác. Nếu không có lối thoát phải chạy ra cửa sổ, ban công ra hiệu và gọi điện cho Cảnh sát PCCC số 114. Có thể dùng đồ vải nối lại hoặc thang dây để leo xuống đất. Không được nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.
Không sử dụng thang máy khi có cháy. Để thoát hiểm an toàn phải thoát hiểm bằng thang bộ (khi thang bộ an toàn).
Thường xuyên kiểm tra thiết bị điện, gas
Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng lưu ý mỗi chung cư, nhà cao tầng đều có kiến trúc khác nhau, nên người dân cần tìm hiểu kỹ những chỉ dẫn thoát hiểm mỗi khi bước vào tòa nhà. Đây cũng chính là “dây cứu mạng” cho những ai tìm hiểu, nắm vững kiến thức an toàn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Và, nếu sống tại chung cư, nhà cao tầng, người dân cần tìm nơi được trang bị hệ thống PCCC đảm bảo theo quy định. Tự trang bị các phương tiện PCCC: đèn báo cháy, bình chữa cháy, dụng cụ thoát hiểm (mặt nạ phòng độc, thang dây, dây thoát hiểm) để phòng ngừa những trường hợp không may xảy ra, trường hợp thoát hiểm sử dụng thang dây phải được tập huấn và có dây an toàn.
Thường xuyên kiểm tra, chú ý tới các địa điểm dễ xảy ra cháy nổ (công tắc điện, nơi đặt cầu giao điện). Chú ý cẩn thận trong quá trình sử dụng mỏ hàn, sửa chữa điện hay nơi có nguy cơ phóng điện. Thường xuyên tổ chức, tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn cách xử lý sự cố, cách sử dụng bình chữa cháy để kịp thời ứng phó khi có đám cháy. Luôn đề cao tinh thần cảnh giác, đề phòng cháy nổ trong mọi tình huống.
Để hạn chế cháy nổ, người dân cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện và các thiết bị điện định kỳ để tránh nguy cơ chập điện gây cháy hoặc ngắn mạch. Quản lý chặt quá trình sạc điện đối với các phương tiện sử dụng pin cho xe đạp điện, xe máy điện, sạc dự phòng, điện thoại… Tuyệt đối không sạc qua đêm khi không kiểm soát được các thiết bị đang sạc.
Không đốt nhang, nến thờ cúng khi đi ngủ, hoặc khi ra khỏi nhà. Thường xuyên kiểm tra hệ thống gas, nguồn lửa nguồn nhiệt khi đun nấu…, phải tắt lửa hoàn toàn khi đi ra ngoài và làm việc khác. Không sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần không đảm bảo an toàn PCCC, đây là cũng là nguyên nhân của nhiều vụ cháy tại phòng trọ, nhà trọ.
Tìm hiểu kiến thức về an toàn PCCC và trang bị các dụng cụ phương tiện chữa cháy và thoát nạn phù hợp với kiến trúc của nơi mình ở. Tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC do cơ quan chức năng tổ chức tại nơi ở, nơi làm việc.
Chìa khoá mở khoá phòng trọ, căn hộ nhà ở phải để nơi dễ lấy và phổ biến cho gia đình đều biết…, nghiên cứu, tận dụng bố trí lối thoát nạn thứ 2 trên cửa sổ, mái nhà, qua ban công… hoặc trang bị dụng cụ phá dỡ phù hợp với đặc thù nơi mình ở để phá dỡ mở lối thoát nạn khẩn cấp khi có cháy.