Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm thế nào để tránh bẫy “Tour du lịch giá rẻ trên mạng”?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào thời điểm kỳ nghỉ hè, nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng bằng chiêu trò đặt tour du lịch giá rẻ. Đã có người dân sập bẫy. Vậy, người dân làm gì để tránh rơi vào cái bẫy này?

Mỗi kỳ nghỉ hè, các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ phụ trợ đã nhanh chóng đưa ra hàng loạt khuyến mãi để kích cầu du lịch. Đây cũng là cơ hội để các đối tượng lừa đảo tung ra nhiều chiêu trò nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Người dân cần cẩn trọng khi lựa chọn các tour du lịch giá rẻ trên mạng
Người dân cần cẩn trọng khi lựa chọn các tour du lịch giá rẻ trên mạng

Theo thống kê, có năm phương thức lừa đảo mùa du lịch phổ biến mà người dân dễ bị "sập bẫy". 

Nhóm lừa đảo dựng lên các trang Facebook, Zalo hoặc hack tài khoản của người sử dụng mạng xã hội có lượt kết bạn, tương tác cao sau đó đổi tên thành tài khoản giả danh nhân viên của các công ty cung cấp dịch vụ du lịch uy tín, đã có nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng.

Chúng đưa ra các gói du lịch có điểm đến hấp dẫn, nổi tiếng trong và ngoài nước với giá rẻ, tiết kiệm chi phí lên đến 50% so với giá gốc, gồm trọn gói vé máy bay khứ hồi, ăn uống, nghỉ ngơi tại khách sạn hạng sang.

Để tạo uy tín, các đối tượng lừa đảo sẽ thay đổi tên tài khoản mạng xã hội gần giống tên chủ tài khoản ngân hàng. Sau khi thỏa thuận qua mạng xã hội, chúng yêu cầu khách hàng phải chuyển từ 30 - 50% giá trị hợp đồng, có trường hợp yêu cầu chuyển 100% để săn được tour khuyến mãi giá rẻ. Sau khi nhận tiền cọc, nhóm lừa đảo sẽ chặn, ngắt liên lạc với nạn nhân.

Một hình thức khác, nghi can lừa đảo sẽ đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa du lịch nước ngoài, cam kết tỉ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa.

Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, nhóm lừa đảo sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… và dễ dàng "sập bẫy". Nhóm lừa đảo sẽ lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.

Với thủ đoạn tinh vi hơn, nhóm lừa đảo sẽ làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. 

Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch thì nghi can sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

Đáng chú ý, hình thức lừa đảo mới xuất hiện là tội phạm sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người bị giả mạo) để tạo lòng tin với nạn nhân:  tội phạm sẽ làm giả hoặc chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.

Nhóm lừa đảo có thể sử dụng công nghệ Deepfake và thực hiện cuộc gọi video để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật, từ đó chuyển tiền cho các đối tượng.

Thêm một phương thức nữa là nhóm lừa đảo mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng.

"Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay, nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay", theo khuyến cáo từ Bộ Công an.

Để tránh bị lừa đảo trước thủ đoạn đặt tour du lịch giá rẻ qua mạng Internet, người dân cần chú ý:

Trước khi lựa chọn các gói du lịch, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin công ty cung cấp dịch vụ du lịch, nên lựa chọn dịch vụ của những công ty uy tín để tránh bị lừa đảo và có đầu mối để phản ánh, khiếu nại khi có sai phạm. Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch.

Đồng thời, người dân nên cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30 - 50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.

Tìm hiểu kỹ về lịch trình của chuyến đi, các chương trình khuyến mãi đi kèm do công ty cung cấp dịch vụ đưa ra.

Chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như: .cc, .xyz, .tk…

Đối với các trang mạng xã hội (fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán.

Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo như trên đề nghị người dân thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.