Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm thêm không quá 60 giờ/tháng: Khung mở cho doanh nghiệp

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người lao động (NLĐ) được làm thêm không quá 60 giờ/tháng, không quá 300 giờ/năm là nội dung mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Vấn đề đặt ra là làm sao để chủ sử dụng lao động thực hiện đúng giờ làm thêm và có các chế độ phúc lợi cao hơn quy định.

Công nhân Tổng Công ty May 10 may hàng xuất khẩu. Ảnh: Phạm Hùng  
Công nhân Tổng Công ty May 10 may hàng xuất khẩu. Ảnh: Phạm Hùng  

Tăng ca để tháo gỡ khó khăn

Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được tăng giờ làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong một năm (trừ một số trường hợp). Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ trong một năm có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong một tháng.

Đây là tin vui vì đã đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của DN và NLĐ khi một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong năm 2021, nhiều công ty phải tạm dừng sản xuất, hàng triệu công nhân bị giãn việc, ngừng việc, mất việc làm. Trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội thì tăng giờ làm thêm là nhu cầu chính đáng của NLĐ cũng như DN.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm, không quá 60 giờ/tháng là phù hợp. Vừa rồi, ngành Dệt May Hà Nội có tới hơn 6.000 NLĐ F0 dẫn đến thiếu nhiều lao động. Để đảm bảo tiến độ thời gian giao hàng, có DN chấp nhận lỗ trả tiền cao hơn quy định để NLĐ tăng ca. Vì thế, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tăng số giờ làm thêm lên không quá 60 giờ/tháng, sẽ có nhiều DN thực hiện tăng ca. Tăng giờ làm thêm là khung mở để DN chạy được đơn hàng, NLĐ có thêm thu nhập, với điều kiện hai bên có sự thỏa thuận” – Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho hay.

Thực tế, thu nhập của NLĐ ngành dệt may không cao so với các ngành nghề khác. Vì thế, công nhân may thường phải làm thêm giờ để tăng thu nhập. Hiện tại, giá các mặt hàng thiết yếu đều tăng theo giá xăng khiến cho cuộc sống của công nhân dệt may càng khó khăn hơn, do chi phí tăng. Không làm thêm, công nhân không có tiền trang trải cuộc sống, lo cho con học hành.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May liên doanh Plummy Hà Thị Phương Anh chia sẻ, đến nay, công ty có tới 80% công nhân thuộc diện F0. Thời kỳ cao điểm, 50% NLĐ phải nghỉ ở nhà để điều trị Covid-19. Có những dây chuyền chỉ còn 2 – 3 người làm việc nên công ty buộc phải ghép chuyền; đồng thời động viên NLĐ tự nguyện ở lại làm thêm để gồng gánh sản lượng của những người đang nghỉ điều trị Covid-19.

"Ngoài ra, dịch bệnh kéo dài, DN phải tăng chi phí cho những vấn đề phát sinh. Chưa kể, nếu để chậm đơn hàng sẽ bị phạt nhiều, hậu quả nghiêm trọng hơn. Vì thế, chúng tôi rất mong muốn được tăng giờ làm thêm để tháo gỡ cho DN" - bà Hà Thị Phương Anh chia sẻ.

Nhiều điều cần làm rõ

Ngoài quy định về số giờ làm thêm trong một tháng, một năm, dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ, người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ. Trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho NLĐ có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Tuy nhiên, để chủ sử dụng lao động thực hiện nội dung này, có những ý kiến cho rằng, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết, Bộ LĐTB&XH nên có thông tư quy định các chế độ phúc lợi xã hội dành cho NLĐ để làm căn cứ thực hiện. “Tôi khuyến nghị DN trả lương làm thêm giờ cao hơn mức sàn quy định trong Bộ luật Lao động” – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Minh Tiến nêu ý kiến.

Thực tế cho thấy, khi làm thêm giờ đồng nghĩa nhiều công nhân có con nhỏ phải trả thêm tiền thuê người giữ con. Vì thế, NLĐ cho rằng DN trả lương làm thêm giờ cao hơn quy định, để hỗ trợ và động viên. “Biết rằng trong thời gian dịch Covid-19 DN gặp khó khăn nhưng tôi mong muốn lương làm thêm ngày thường là 150% thì tăng thành 170% để họ có thêm động lực làm việc. Nội dung này nên được ghi vào bản thương lượng, thỏa thuận giữa hai bên” – bà Hà Thị Phương Anh đề xuất.

Một vấn đề nữa được nhiều người đặt ra, đó là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tất cả các ngành, nghề công việc được làm thêm giờ thì hoạt động kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện ra sao? Nếu không, chủ sử dụng lao động sẽ lợi dụng chính sách buộc NLĐ tăng ca liên tục, vượt quá số giờ quy định. Thực tế, hiện nay, do sức ép đơn hàng nên DN vẫn đồng tình, ngấm ngầm thỏa thuận với NLĐ để tổ chức làm thêm quá 4 giờ/ngày.

Lại có những trường hợp NLĐ không muốn làm thêm giờ nhưng vẫn phải làm đơn “tự nguyện” bởi không tăng ca sẽ bị cắt thưởng. Vì thế, các chuyên gia đề nghị, thanh tra lao động, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức Công đoàn cần tăng cường thanh tra, giám sát thường xuyên, trên diện rộng. Nếu không, chủ sử dụng lao động lợi dụng quy định cứ tăng ca nhiều; phần thua thiệt sẽ rơi vào phía NLĐ.

Hiện nay, trong dự thảo Nghị quyết mới nói hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022; riêng quy định về số giờ làm thêm trong một năm có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Vì thế, mọi người kiến nghị trong Nghị quyết nên thể hiện rõ thời gian hết hiệu lực quy định làm thêm không vượt quá 60 giờ/tháng, không vượt quá 300 giờ/năm để DN và NLĐ lấy làm căn cứ thực hiện.

 

Nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính: Tăng cường giám sát doanh nghiệp tổ chức làm thêm

Với quy định tăng giờ làm thêm lên tối đa 60 giờ/tháng, áp dụng cho tất cả các ngành nghề, tôi đề nghị cần tăng cường giám sát của cơ quan Nhà nước và tổ chức Công đoàn để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ về sức khỏe, an toàn lao động.

Vấn đề thực hiện thiết thực nhất là thông qua chương trình Better work với những tiêu chí đánh giá việc tuân thủ pháp luật lao động nói chung, trong đó có thời gian làm thêm đang được các nhãn hàng có uy tín trên thế giới tham gia.

Nếu công ty nào vi phạm quy định sẽ bị xếp vào danh sách sản phẩm không sạch và thông báo tới đối tác, lần đầu sẽ bị cảnh cáo, lần sau bị cắt đơn hàng.

 

Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty CP TLC Việt Nam Hoàng Thị Hiền: Công ty không tổ chức làm thêm giờ mức tối đa

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép NLĐ làm thêm không quá 60 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm là quy định mới nên công ty sẽ có tính toán kỹ để có số giờ tăng ca linh hoạt, phù hợp với sức khỏe của NLĐ; chứ không thực hiện ở mức tối đa.

Công ty có quan điểm, sức khỏe của NLĐ là quan trọng nhất. Giờ làm việc chính tạo ra hiệu suất tốt nhất, còn giờ tăng ca chỉ giải quyết được bài toán cấp bách hiện tại.

Nếu như nhân sự không đảm bảo và không có nhu cầu tăng giờ làm thêm thì chúng tôi không ép họ mà thực hiện phương án tuyển dự phòng nhân sự đảm bảo phục vụ sản xuất cho công ty.