Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm tốt việc bảo vệ người tố cáo: Khuyến khích tố giác tiêu cực

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo... đó là những nội dung được Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh khi đánh giá về một năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TƯ ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.

Cán bộ Ban Tiếp công dân TP Hà Nội tiếp nhận đơn thư từ người dân. Ảnh: Nguyên Hạnh
Khắc phục tồn tại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 127-KH/TU, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, đơn vị và đề ra một số chỉ tiêu. Trong đó, bảo đảm 100% nguồn tin về tội phạm của tổ chức, cá nhân liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tiếp nhận, xử lý, giải quyết; 100% người phát hiện, tố giác, đấu tranh, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được bảo vệ… Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy đã tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16/12/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn TP”, tạo chuyển biến rõ nét trong thực tiễn. Nhiều vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng đã được giải quyết dứt điểm; bảo vệ người tố cáo, không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của Thành ủy, đến hết năm 2019, tổng số vụ việc được đưa ra khỏi diện Ban chỉ đạo theo dõi là 144/206 vụ việc (trong đó, riêng năm 2019 đã đôn đốc chỉ đạo giải quyết được 41 vụ việc).
Cùng với đó, Thành ủy đã tổ chức các lớp tập huấn về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư. Khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên tích cực thực hiện góp ý, phản ánh, tố giác, đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Hòm thư góp ý; phản ánh qua “đường dây nóng”, trang thông tin điện tử của các cơ quan tổ chức Đảng; chuyên mục góp ý xây dựng Đảng trên báo chí; có hình thức khen thưởng về tài chính cho người phát hiện, cung cấp các bằng chứng xác thực về tham nhũng...
Các cơ quan của TP đã có nhiều biện pháp tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về KNTC. Qua đó chấn chỉnh các hành vi có biểu hiện bao che người bị tố cáo, để lộ lọt thông tin người tố cáo và tăng cường phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo.
Xử lý nghiêm hành vi trù dập người tố cáo
Theo thống kê, trong năm 2019, tổng số có 339 đơn thư tố cáo, phản ánh, tố giác liên quan đến hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (phần lớn liên quan đến các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị), trong đó 7 người có yêu cầu được bảo vệ và đã được các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, tài sản theo yêu cầu.
Từ những kết quả đã đạt được, để thực hiện tốt Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là công tác bảo vệ người tố cáo. Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, thực hiện nghiêm túc các quy định về đối thoại, tiếp công dân để tiếp nhận thông tin, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân về hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Song song với đó, việc kiểm tra, giám sát sẽ được đẩy mạnh để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo...