Lục tìm trong ký ức, lật giở lại những “trang vàng” của đất và người Hà Nội, chợt vỡ òa: đây cũng chính là một phần trong tính cách người Hà Nội xưa nay, dù thăng trầm thời gian và những đổi thay của thời đại có đưa người Hà Nội vào những không gian, những môi trường sống và làm việc mới.
Lục tìm trong ký ức
Lâu lắm mới lại có dịp hẹn nhau ở quán trà đá vỉa hè nằm yên bình dưới gốc cổ thụ trên đường Hoàng Diệu để đàm đạo chuyện đời. Nhắc đến cụm từ “làm việc bằng cả trái tim”, ông bạn tôi ngay lập tức “như đinh đóng cột”: “Nó đã có lâu nay rồi ở trong phong thái của nhiều công chức, viên chức Hà thành! Nó là một phần tính cách của người Hà Nội xưa nay!”.
Không phải người Hà Nội thiên vị người Hà Nội nên nhìn nhận đẹp như vậy, mà thực tế đã có rất nhiều người Hà Nội vang danh trong thiên hạ vì những đam mê, cống hiến tuyệt vời cho công việc bằng cả trái tim và khối óc. Qua cặp kính lão thường trực trên khuôn mặt ghi dấu thời gian, tôi thấy ánh mắt ông bạn già ánh lên niềm tin khi nhắc đến gia đình cụ Trần, người làng Định Công xưa, từng vang danh bốn phương với nghề đậu bạc và nghề gò đồng.
Năm 1902, khi cầu Long Biên khánh thành, Nhà máy xe lửa Gia Lâm tuyển thợ, cụ Trần ghi tên làm công nhân và được cử đi theo các đoàn tàu vì tay nghề tài khéo lại nhanh nhẹn, chăm chỉ. Lương thợ không bằng việc gò đồng, bán buôn nơi phố thị, nhưng cụ Trần nhất quyết không rời các chuyến tàu vì niềm hạnh phúc được phục vụ trên các đầu máy hơi nước đánh dấu sự phát triển khởi đầu của công nghiệp Hà Nội.
Con trai duy nhất của cụ Trần là ông Bảng, thi đỗ Tú tài, rồi cũng vào làm việc tại Bưu điện Hà Nội ngay những ngày đầu ngành điện tín ra đời. Ông Bảng là thành viên Tổng hội Viên chức nên tham gia mit-tinh tại Nhà hát Lớn - cuộc mit-tinh mà sau này trở thành cuộc tuần hành cướp chính quyền về tay Nhân dân (19/8/1945). Hàng ngày, sau giờ làm, ông Bảng được phân công phụ trách Đội Nhi đồng cứu quốc khu phố Mai Hắc Đế.
Mùa Đông năm 1946, Hà Nội trong bối cảnh căng thẳng, nhà cụ Trần tạm di tản lên Vĩnh Yên, riêng ông Bảng ở lại trong Đội tự vệ Bưu Điện. Đêm 22/12/1946, Cụ Hồ phát lệnh Toàn quốc kháng chiến, chống lại quân Pháp tái chiếm Hà Nội. Chiến sự tại Bắc Bộ Phủ rất ác liệt, tự vệ được lệnh trả lại trận địa cho Vệ Quốc Đoàn, ông Bảng bò qua mặt đường Đinh Tiên Hoàng, men theo mép nước Hồ Gươm về chiến lũy đầu phố Hàng Đào, đi ra vùng tự do.
Sau 9 năm kháng chiến gian khổ tại Bưu điện Liên khu 10, tháng 9/1954, ông Bảng về Hà Nội nhận bàn giao ngành bưu điện, chuẩn bị cho tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), đảm trách Bưu điện Quốc tế.
Những năm không quân Mỹ đánh phá Hà Nội, ông Bảng vẫn kiên trì bám trụ Thủ đô với nhiệm vụ đảm bảo thông tin lưu thông suốt những năm bom đạn đỏ trời Hà Nội…
Câu chuyện của ông bạn già minh chứng cho tâm huyết của người Hà Nội ấy lại làm tôi nhớ đến ông giáo già Nguyễn Trà ở phường Phương Liên (quận Đống Đa), lang thang các bãi rác gom những đứa trẻ nghèo, côi cút về lớp học hướng thiện trong những ngày hưu trí thảnh thơi đầu tiên của đời mình.
Ông ân cần uốn nắn, dạy chữ, dạy ngoại ngữ cho những đứa trẻ ấy, để giờ đây không ít trong số đó được đổi đời, trở thành người có ích cho xã hội. Tôi nghe nói, dòng họ ông Trà đã sống và theo nghề dạy chữ 400 trăm năm ở đất Kinh kỳ. Trong dòng họ có người nổi danh đến mức được chúa Trịnh mời vào Phủ Chúa thỉnh chữ. Riêng ông Trà, khi còn niên thiếu từng là học sinh trường Bưởi, rồi sinh viên khóa đầu tiên của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp, ông dạy học ở các ngôi trường danh tiếng của Hà Nội như THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Trãi… cho đến tuổi hưu năm 1989.
Ông Trà bảo, dù nghỉ hưu nhưng nghề giáo trong huyết mạch vẫn sôi sục.
Thế nên, ý tưởng về lớp hướng thiện, vừa học chữ, vừa học đạo cho trẻ nghèo càng nung nấu thôi thúc, bởi tự trong tâm khảm ông rất thương bọn nhỏ bị thất học, bởi ông nghĩ một người không được học là điều thiệt thòi nhất trong đời. Hơn hai thập kỷ tâm huyết rèn giũa những đứa trẻ nghèo, ở tuổi bát thập tóc sương, da mồi, ông vẫn hy vọng mô hình lớp học hướng thiện sẽ phát triển hơn nữa, trở thành nhiều lớp hướng thiện, trường hướng thiện đem tri thức tới cho những đứa trẻ nghèo hiếu học.
Lại nhớ thầy giáo Nguyễn Vinh Phúc, thầy giáo Giang Quân... - những nhà nghiên cứu văn hóa từng được người đương thời mệnh danh “Nhà Hà Nội học” - được vinh danh Công dân ưu tú Thủ đô. Người sinh ra ở Hà Nội, người đến từ miền quê khác, song họ đã dành cả trái tim và khối óc để yêu thương, nâng niu, tôn vinh văn hóa vùng đất nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Vẫn là tính cách người Hà Nội
Ông bạn tôi nói đúng, người Hà Nội xưa nay vẫn thế, dù trong trường đoạn nào của cuộc sống, họ vẫn luôn giữ lấy đam mê, nhiệt huyết với công việc mình đã chọn - nhiệt huyết ẩn sâu trong trái tim hào hoa như một ngọn lửa để hun đúc những sáng tạo nơi khối óc giàu nghĩ suy. Nhìn Hà Nội rạng rỡ trên chặng đường đô thị hóa và hội nhập quốc tế hôm nay sẽ hiểu về những trái tim, khối óc mà người Hà Nội bao thế hệ đã chắt chiu, dồn tâm sức cho mảnh đất này.
Chợt nhớ, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hà Nội khóa XVI (ngày 3/7), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải khẳng định, nếu cán bộ, công chức làm việc bằng cả trái tim, chắc chắn hiệu quả công việc sẽ tăng, sẽ tạo được niềm tin, sự hài lòng của người dân. Làm việc bằng trái tim nghĩa là chúng ta yêu thích công việc đang làm, cống hiến toàn bộ sức lực, tài năng, trí tuệ phục vụ lợi ích chung, vì sự nghiệp phát triển chung… Làm việc bằng trái tim cũng có nghĩa là chúng ta luôn tận tâm, trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, công việc theo cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Những chuyển biến tích cực từ đội ngũ này đã khiến các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền TP dần được cải thiện qua các năm. Đơn cử, năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Hà Nội đạt 91,43 điểm (tăng 1,85 điểm so với năm 2022); giữ vững vị trí thứ 3/63 tỉnh, TP (năm 2022 xếp thứ 3/63 tỉnh, TP). Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 83,57% (tăng 3,41%); xếp thứ 21/63 tỉnh, TP, tăng 9 bậc so với năm 2022 (năm 2022 xếp thứ 30/63 tỉnh, TP).
Đặc biệt,TP đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ quan trọng, giải quyết được nhiều việc mới, việc khó, như: xây dựng, hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi); triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…
Thế mới thấy, “làm việc bằng cả trái tim” không phải là điều xa vời, mà hiển hiện ngay trong văn hóa nơi công sở, văn hóa người Hà Nội. Lâu nay nó đã là một phần tính cách của người Hà Nội thanh lịch - văn minh, chỉ cần khơi nguồn cho tính cách sâu kín đó tỏa sáng và lan ra như những luồng ánh sáng đẹp.