Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lần lữa đến bao giờ?

Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự việc đang “nóng sốt”, dư luận đang ngóng chờ từng ngày, nhưng không hiểu sao công tác thanh tra, kiểm tra vẫn khá đủng đỉnh.

Ai đúng, ai sai cần sớm rõ ràng, để làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan hoặc tránh mang tiếng cho “người trong cuộc”. Câu hỏi này xin được gửi tới các cơ quan chức năng đang được tin cậy giao trọng trách và mong sớm nhận được những đáp án thỏa đáng.

Từ vụ “bổ nhiệm thần tốc” ở Thanh Hóa

Đầu tháng 4/2017, trả lời báo chí, lãnh đạo UBKT Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, cơ quan này đang khẩn trương làm rõ vi phạm liên quan đến quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh - nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa).

Biệt phủ của Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái.         Ảnh:  Zing.vn

Cụ thể, UBKT Tỉnh ủy được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tập thể và cá nhân lãnh đạo và cán bộ Sở Xây dựng theo kết luận của Thanh tra tỉnh (giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015). Cụ thể, UBKT Tỉnh ủy sẽ kiểm tra việc Giám đốc Sở Xây dựng bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh giữ chức Phó phòng, rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản khi chưa đủ tiêu chuẩn thâm niên công tác, trình độ lý luận chính trị và nghiệp vụ quản lý nhà nước.

Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra dấu hiệu vi phạm của bà Quỳnh Anh về khai lý lịch đảng viên, khai phiếu đảng viên, khai phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên hàng năm. Theo thông báo kết quả thanh tra, bà Quỳnh Anh ngoài việc vi phạm quy định “kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực”, còn vi phạm quy định không “khai hoàn cảnh kinh tế của bản thân và gia đình”.

Ngoài ra, UBKT Tỉnh ủy cũng sẽ kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tập thể Đảng ủy Sở Xây dựng về việc không báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy khối cơ quan tỉnh việc đã cho bà Quỳnh Anh nghỉ việc và không làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng cho cán bộ này.

Cũng theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa, thông thường việc kiểm tra giải quyết khiếu nại và giải quyết tố cáo theo quy định sẽ kéo dài 3 tháng. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 4,5 tháng trôi qua nhưng UBKT Tỉnh ủy Thanh Hóa vẫn chưa công bố kết luận.

Đến biệt phủ ở Yên Bái

Một sự việc khác cũng được dư luận quan tâm thời gian qua về biệt phủ của gia đình Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Gần đây, khi chứng kiến cảnh lũ quét tàn phá nghiêm trọng ở huyện nghèo Mù Càng Chải, nhiều ý kiến càng không khỏi xót xa khi liên tưởng đến cảnh những ngôi biệt phủ hoành tráng là các bản làng tan hoang, xơ xác. Hơn lúc nào hết, dư luận mong mỏi sớm có một bản kết luận để làm rõ trắng đen, đỡ mang tiếng người trong cuộc (nếu có), nhưng đến nay sau vài lần hoãn vì những lý do “khách quan”, điều đó vẫn chưa được thực hiện.

Trước đó, ngày 26/6, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1614 thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của UBND tỉnh Yên Bái, việc chấp hành pháp luật của UBND tỉnh Yên Bái về minh bạch tài sản thu nhập. Đoàn thanh tra gồm 6 thành viên do ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Chống tham nhũng làm trưởng đoàn. Theo quyết định này, đoàn sẽ thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của UBND tỉnh Yên Bái đối với thửa đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái có liên quan đến hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái).

Đoàn sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với người có nghĩa vụ kê khai liên quan đến thửa đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân của gia đình bà Hoàng Thị Huệ. Thời gian thanh tra 15 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2010 đến tháng 6/2017, khi cần thiết có thể xem xét đến trước và sau thời kỳ nêu trên.

Giữa tháng 7, Cục Phòng chống tham nhũng thông tin đã hoàn tất việc thanh tra để hoàn thiện dự thảo và sẽ công bố vào đầu tháng 8/2017. Nhưng từ đó đến nay, dư luận cứ “ngóng” mà thời gian cụ thể cứ “hoãn lên hoãn xuống”. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, với những sự việc đang “nóng sốt” như vậy thì càng làm rõ ngày nào càng tốt. “Với những đoàn kiểm tra, thanh tra cũng phải xem xét đã thực hiện đúng quy định về thời hạn, thời hiệu chưa. Đúng hay sai ở đây chưa bàn đến, nhưng nếu để chậm phải xem xét trách nhiệm trưởng đoàn và có giải trình rõ ràng”, ông Nhưỡng nói và đề nghị cần tăng cường sự giám sát của cơ quan dân cư đối với những sự việc thế này, tránh tình trạng để lâu rồi “đâu lại vào đấy”.