70 năm giải phóng Thủ đô

Lan man chuyện giúp việc ngày Tết

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội ngày thường đông chật là vậy, thế mà Tết đến là thoáng rộng không ngờ. Ngõ phố thưa thớt, đường sá thông thoáng, nhất là sáng mùng Một Tết. Thì ra, người không có nhà ở Hà Nội, không có hộ khẩu Hà Nội đã về quê cả…

Và đã từ nhiều năm nay, ngày Tết cũng là những ngày mà nhiều gia đình lo lắng. Hóa ra không ít lĩnh vực trong đó có nhiều công việc mặc dù chưa nằm trong danh mục nghề nghiệp chính thức nhưng nó lại rất cần thiết trong cuộc sống hàng ngày.TP thường ngày đông đúc là thế, thì việc lượng người giảm mạnh trong những ngày nghỉ Tết  cho thấy một khía cạnh khác mà Hà Nội đang phải đối mặt.
Hãy thử xem một ngày không có những kẻ “ngụ cư” ấy, Thủ đô sẽ ra sao? Thiếu người lái nên đường rất ít taxi; Đường phố ngộn rác vì không có đội ngũ đồng nát; Nhà lủng củng toàn đồ “bỏ đi thì tiếc” vì thiếu anh xe đạp dạo quanh lối ngõ với chiếc ampli đều đều như ngái ngủ: “ti vi, quạt, nồi cơm điện hỏng… bán đê”… Đặc biệt là những người giúp việc, với số lượng hàng vạn, ở khắp mọi nơi từ công sở, bệnh viện đến xóm ngõ. Phải nói rằng, họ gắn bó với đời sống đô thị, nhưng có vẻ như lại bị “bỏ rơi” vì phần lớn không có hợp đồng chặt chẽ, không được luật pháp “gọi tên” là một nghề trong xã hội.
Guồng quay cuộc sống hôm nay hối hả hơn, cuộc sống công nghiệp cũng khiến người đô thị phải tranh thủ từng phút. Dễ hiểu vì sao con cái phải thuê người giúp việc chăm sóc bố mẹ khi phải nằm viện; bố mẹ trẻ phải mượn người giúp việc về chăm sóc, đón đưa con cái hàng ngày, làm các công việc nhà để có thời gian đi làm… Cho nên, vào bệnh viện, nhất là các bệnh viện lớn là gặp ngay những người chăm sóc bệnh nhân thuê, có khi người chăm sóc được phát quần áo như trong biên chế và họ giúp ích rất nhiều cho các điều dưỡng viên. Đến các lớp mầm non, thậm chí đến các lớp đầu hệ tiểu học, gặp rất nhiều người làm thuê trong vai trò cô giáo, người giữ trẻ. Vào các gia đình gặp ngay người giúp việc trong nhiều hình thức: người gia chủ tự tìm, người qua giới thiệu từ công ty môi giới, người thuê theo giờ, người chỉ giúp trông con, người chỉ nấu ăn, lau dọn nhà… tùy theo khả năng và sự tin cậy của nhà chủ.
Công việc của người giúp việc phức tạp và liên quan đến nhiều người là vậy, nhưng cho đến nay, gần như chưa được ai chú ý. Vấn đề người giúp việc bao nhiêu năm nay đã dày vò các nước phát triển và càng ngày càng bức xúc hơn trong cuộc sống hiện đại. Ngay như Mỹ, Nhật Bản, Pháp… cũng đang rất cần những người giúp việc chăm sóc trẻ em, người già, hay đơn giản chỉ giúp việc gia đình với sự đào tạo kỹ càng, mức lương khá cao. Đừng hy vọng thời đại công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, robot sẽ thay thế con người. Robot muôn đời vẫn là cỗ máy vô tri, các công việc, giúp việc là công việc không thể có robot thay thế kinh nghiệm, sự tỷ mỷ, tinh tế, nhất là tình cảm của con người.
Nhưng trong chán vạn nghề, nghề giúp việc vẫn chưa được công nhận là một nghề. Hợp đồng nếu có cũng ngô nghê, lỏng lẻo; trả về hay chấp nhận tùy tiện; nghỉ có phép hay không phép như nhau: Làm tốt không thưởng, làm không tốt không có điều khoản phạt; không có trường lớp đào tạo bài bản, không có bằng cấp làm căn cứ pháp lý… Tóm lại là cảm tính, người thuê cũng cảm tính, lao động làm thuê cũng cảm tính.
Người giúp việc nghỉ Tết mấy ngày, có lên nữa không và bao giờ thì lên; lương vẫn giữ nguyên hay đòi tăng, nếu tăng thì tăng bao nhiêu…? Vì những thứ đó không được quy định cụ thể trong hợp đồng lao động.