Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làn sóng Covid-19 mới trên khắp châu Á có nguy hiểm?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số quốc gia châu Á đang chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, khi mà khu vực, cũng như thế giới nói chung, đã chuyển sang trạng thái "sống chung" với dịch bệnh này.

Số ca nhiễm ở Singapore đã tăng gần gấp đôi trong tuần cuối cùng của tháng 3 vừa qua, lên 28.000 trường hợp - mức cao nhất trong năm nay - theo dữ liệu của Bộ Y tế nước này. Trước đó, vào tháng 2/2023, Chính phủ Singapore đã bỏ hầu hết các quy định về việc đeo khẩu trang khi nhận thấy mối đe dọa từ Covid-19 đã giảm đáng kể.

Ấn Độ, nơi hứng chịu làn sóng tử vong vì Covid-19 vào năm 2021 khiến nhiều bệnh viện hết oxy và giường bệnh, đã báo cáo hơn 10.150 ca nhiễm mới trong một ngày vào cuối tuần qua. Đây là kỷ lục số ca nhiễm trong một ngày tại nước này kể từ cuối tháng 8 năm ngoái. Mặc dù các bệnh viện và phòng khám không thấy số người nhập viện gia tăng, quốc gia Nam Á vẫn tiến hành các cuộc diễn tập trong tuần qua để kiểm tra sự sẵn sàng, trong khi một số bang đã áp đặt các quy định mới về khẩu trang.

Số ca nhiễm ở Indonesia cũng đã tăng lên trong những tháng gần đây khi Chính phủ nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, với số ca nhiễm hàng ngày lên tới 987 người hôm 12/4. Phát biểu 1 ngày sau đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi người dân tiêm mũi nhắc lại thứ 2, mặc dù khẳng định mức độ miễn dịch cao của đất nước cho thấy tình hình dịch "vẫn được kiểm soát tốt".

Tính chung trên toàn Đông Nam Á, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng gần 481% trong một tháng qua, trong khi tỷ lệ nhiễm mới và tử vong liên quan đến Covid-19 trên toàn cầu đang giảm. Số liệu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong một báo cáo hàng tháng hôm 13/4.

"Ở cấp khu vực, số ca mắc mới được báo cáo trong 28 ngày đã giảm ở 4 trong số 6 khu vực: châu Phi (-45%), Tây Thái Bình Dương (-39%), châu Mỹ (-33%) và châu Âu (-22%). Trong khi số ca mắc tăng ở 2 khu vực: Đông Nam Á (+481%) và phía đông Địa Trung Hải (+144%)" - báo cáo cho biết.

Theo WHO, tỷ lệ mắc bệnh tăng cao nhất được báo cáo là ở Nepal, tăng 1.198% từ 49 lên 636 trường hợp mới, tiếp theo là mức tăng 937% từ 6.374 lên 66.124 trường hợp mới ở Ấn Độ, và tăng 614% từ 21 lên 150 trường hợp ở Maldives. Cũng theo báo cáo, trong 28 ngày (từ ngày 13/3 - 9/4), có khoảng 3 triệu ca nhiễm mới (-28% so với tháng trước) và hơn 23.000 ca tử vong (-30% so với tháng trước) đã được các nước báo cáo.

WHO lưu ý, số ca tử vong liên quan đến Covid-19 đã tăng 109% ở Đông Nam Á và 138% ở khu vực phía đông Địa Trung Hải trong giai đoạn nói trên. Tính đến ngày 9/4, hơn 762 triệu trường hợp nhiễm mới và hơn 6,8 triệu trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 đã được ghi nhận trên toàn thế giới.

Trong khi các ca nhiễm bệnh đang gia tăng, những quốc gia trên khắp châu Á xác định làn sóng mới này là do sự kết hợp của các biến thể phụ XBB thuộc chủng Omicron có khả năng lây truyền cao, nhưng không có xu hướng gây ra bệnh nghiêm trọng trên diện rộng cho đến thời điểm này. Hầu hết dân số trong khu vực đã được tiêm vaccine hoặc đã nhiễm bệnh trước đó, và các Chính phủ cũng đã khuyến cáo rằng các đợt nhiễm virus có thể thỉnh thoảng xảy ra sau khi chuyển sang "sống chung với Covid-19", dỡ bỏ nhiều hạn chế.

Với việc thế giới hiện đã coi Covid-19 như một "bệnh đặc hữu", các chuyên gia y tế đang chuyển tập trung sang việc chuẩn bị cho mối đe dọa toàn cầu tiềm ẩn tiếp theo. Chỉ 2 thập kỷ qua đã chứng kiến ​​sự xuất hiện của 3 loại virus corona chính gây ra dịch bệnh SARS, MERS và Covid-19, cũng như đại dịch cúm lợn H1N1 năm 2009.

Airfinity - một công ty phân tích sức khỏe có trụ sở tại London - tuần qua dự báo, có 27,5% khả năng một đại dịch chết người như Covid-19 có thể xảy ra trong vòng 10 năm tới, khi virus xuất hiện thường xuyên hơn. Nhưng cũng theo mô hình của công ty này, nếu vaccine hiệu quả được tung ra 100 ngày sau khi phát hiện ra mầm bệnh mới, khả năng một đại dịch chết người giảm xuống chỉ còn 8,1%.