Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làn sóng nợ chính phủ thứ tư đang đe dọa thế giới

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Theo báo cáo mới nhất của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), thế giới đang ngập trong khoản nợ hơn 300 nghìn tỷ USD.

Ông Borge Brende - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nói rằng thế giới chưa từng chứng kiến nợ ở quy mô này kể từ Chiến tranh Napoléon khi chúng ta đang nợ gần 100% GDP toàn cầu.

Nợ toàn cầu tăng kỷ lục

Báo cáo của IIF cho biết, thế giới đang gánh khoản nợ tổng cộng là 315.000 tỷ USD. “Đây là một con số đáng kinh ngạc và thế giới chưa từng chứng kiến ​​số nợ lớn như vậy kể từ Chiến tranh Napoleon. Nếu khoản nợ toàn cầu được chia cho tất cả mọi người trên hành tinh, mỗi người trong chúng ta sẽ nợ khoảng 39.000 USD” - IIF cho biết trong báo cáo Giám sát nợ toàn cầu hàng quý vừa được công bố gần đây.

Theo báo cáo của IIF, mức tăng này đánh dấu mức tăng hàng quý thứ hai liên tiếp và chủ yếu được thúc đẩy bởi các thị trường mới nổi, khi nhảy vọt lên mức cao chưa từng thấy là hơn 105.000 tỷ USD từ 55.000 tỷ USD hơn một thập kỷ trước. Mặt khác, tỷ lệ nợ trên GDP của các thị trường mới nổi cũng tăng kỷ lục tới 257%, đẩy tỷ lệ chung lần đầu tiên tăng lên sau 3 năm. IIF lưu ý rằng Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico là những nước đóng góp lớn nhất.

Ông Borge Brende - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Nguồn: CNBC
Ông Borge Brende - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Nguồn: CNBC

Trong số khoản nợ 315.000 tỷ USD, nợ hộ gia đình, bao gồm nợ thế chấp, thẻ tín dụng và nợ sinh viên, cùng nhiều khoản khác lên tới 59.100 tỷ USD. Nợ DN mà các tập đoàn sử dụng để tài trợ cho hoạt động và tăng trưởng ở mức 164.500 tỷ USD, trong đó riêng lĩnh vực tài chính đã chiếm tới 70.400 tỷ USD. Nợ công chiếm phần còn lại ở mức 91.400 tỷ USD.

Nợ chính phủ thường được sử dụng để tài trợ cho các dự án và dịch vụ công mà không cần tăng thuế. Các quốc gia có thể vay lẫn nhau hoặc vay từ các tổ chức toàn cầu như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bên cạnh đó, chính phủ các nước cũng có thể huy động tiền bằng cách bán trái phiếu chính phủ cho các nhà đầu tư.

Các ghi chép bằng văn bản cho thấy nợ công đã tồn tại ít nhất 2.000 năm, thường được sử dụng chủ yếu để đầu tư cho hạ tầng và tài trợ cho các cuộc chiến tranh. Các chính phủ từ lâu đã tích lũy khoản nợ lớn từ chi tiêu chiến tranh, chẳng hạn như Chiến tranh Pháp - Phổ và Nội chiến Mỹ vào thế kỷ 19... Thế chiến II đã gây ra một số cuộc khủng hoảng nợ, trong đó phần lớn các khoản nợ tồn đọng đều thuộc về Mỹ. Tính từ những năm 1950, thế giới đã trải qua 4 làn sóng tích lũy nợ lớn.

Làn sóng nợ đầu tiên đến từ Mỹ Latinh vào những năm 1980, khiến 16 quốc gia trong khu vực phải cơ cấu lại khoản vay. Làn sóng nợ thứ hai ảnh hưởng đến Đông Nam Á vào đầu thế kỷ 21, trong khi Mỹ và châu Âu chịu tác động của làn sóng nợ toàn cầu thứ ba trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007 - 2008.

Thế giới hiện đang ở làn sóng nợ thứ tư, bắt đầu vào năm 2020 và trùng với thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19. Do đó, các nước thậm chí còn phải gánh thêm nợ để hỗ trợ các DN và người dân giảm bớt tác động của lệnh phong tỏa. Nợ công toàn cầu đã nhảy vọt lên 256% GDP vào năm 2020, tăng 28% và là mức tăng nợ lớn nhất trong một năm kể từ Thế chiến II.

Cuộc khủng hoảng nợ liệu có lan rộng?

IIF xác định lạm phát dai dẳng, xung đột thương mại gia tăng và căng thẳng địa chính trị là những yếu tố có thể gây rủi ro đáng kể cho động thái nợ, “gây áp lực tăng lên chi phí vốn toàn cầu”. Báo cáo của IIF nêu rõ: “Trong khi sức khỏe của bảng cân đối hộ gia đình sẽ tạo ra tấm đệm chống lại tình trạng lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn ở thời gian tới, thì thâm hụt ngân sách của chính phủ vẫn cao hơn mức trước đại dịch”.

IIF nhấn mạnh rằng việc xuất khẩu hàng loạt sản phẩm công nghệ xanh từ Trung Quốc, vốn đang thúc đẩy xu hướng bảo hộ ở châu Âu, có thể làm tăng nợ toàn cầu. Theo cảnh báo của IIF, nếu châu Âu quyết định áp thuế đối với các sản phẩm thiết yếu từ Trung Quốc phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh, điều này có thể sẽ đẩy giá hàng hóa nhập khẩu và nội địa tăng cao. Đồng thời, việc áp thuế của châu Âu đối với hàng hóa Trung Quốc có thể khiến lạm phát trong khu vực tăng cao.

Ngoài ra, IIF dự báo một rủi ro khác đối với nợ toàn cầu là sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) giúp đồng USD ngày càng mạnh hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia sẽ mất nhiều tiền hơn để thanh toán các khoản nợ bằng đồng bạc xanh.

IIF cho biết: “Một sự thay đổi chính sách đột ngột của ECB có thể giúp đồng USD tăng mạnh, thúc đẩy dòng vốn chảy vào các tài sản của Mỹ và gây thêm áp lực lên bảng cân đối kế toán của các nước đang gánh khoản nợ lớn bằng USD”.

Trong báo cáo mới nhất của IIF, khoảng 2/3 trong số 315.000 tỷ USD nợ đến từ các nền kinh tế phát triển, trong đó Nhật Bản và Mỹ đóng góp nhiều nhất vào tổng nợ đó. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ trên GDP của các nền kinh tế phát triển - được xem là một chỉ số tốt về khả năng trả nợ của một quốc gia - nhìn chung đã giảm. Hơn nữa, các chính sách và quy định tài chính tốt hơn đã giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ lan rộng.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng với lượng tiền lớn như vậy, viễn cảnh đồng USD mạnh hơn hoặc một cuộc chiến thương mại có thể đủ khiến một hoặc nhiều quốc gia phá sản.

Tháng trước, IMF cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về gánh nặng nợ nần trên quy mô toàn cầu. Báo cáo của IMF cho biết: “Các quốc gia cần có những nỗ lực quyết đoán để bảo vệ hệ thống tài chính công bền vững và xây dựng lại vùng đệm tài chính. Các chính phủ nên chấm dứt ngay lập tức các di sản của chính sách tài chính thời kỳ khủng hoảng, bao gồm trợ cấp năng lượng, và theo đuổi các cải cách để hạn chế chi tiêu gia tăng trong khi bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Các nền kinh tế tiên tiến với dân số già hóa nên hạn chế áp lực chi tiêu cho y tế và lương hưu thông qua cải cách quyền lợi cùng một số biện pháp khác".

Bên cạnh đó, IMF lưu ý, hơn 50 quốc gia sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay và chính phủ nhiều nước đang dành ưu tiên cho việc giảm thuế và tăng chi tiền mặt để thuyết phục cử tri. IMF cảnh báo rằng các nhà hoạch định chính sách không nên bỏ qua các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng dài hạn bằng tổ hợp chính sách tài chính được thiết kế tốt để thúc đẩy đổi mới một cách rộng rãi hơn, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và tạo điều kiện phổ biến công nghệ.