Lan toả các tấm gương thanh niên khiếm thị vượt qua bóng tối

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận được sự quan tâm, trợ giúp từ nhiều phía, không ít thanh niên khiếm thị trên địa bàn Hà Nội đã vượt qua bóng tối, tìm thấy niềm tin, ánh sáng từ cuộc sống. Họ thực sự là những tấm gương vượt khó, xứng đáng được biểu dương.

Những tấm gương tiêu biểu, điển hình

Trong cộng đồng người khiếm thị, nhiều người biết đến tinh thần nỗ lực vươn lên của cô gái Nghiêm Thu Loan (sinh năm 1998). Mặc dù bị khiếm thị nhưng cô đã xuất sắc giành được học bổng trị giá 1,5 tỷ đồng của Đại học RMIT năm 2019.

Cô gái khiếm thị Nghiêm Thu Loan
Cô gái khiếm thị Nghiêm Thu Loan

Nghiêm Thu Loan chia sẻ: “Dù chào đời với đôi mắt không nhìn rõ ánh mặt trời do căn bệnh glocom (thiên đầu thống) nhưng tôi luôn tin rằng, bằng sự yêu thương, hỗ trợ của mọi người, sự nỗ lực và kiên trì của chính mình cùng với niềm hi vọng, lạc quan, sẽ có một ngày không xa, tôi được chạm đến những mơ ước của bản thân. Đó là trở thành nhà văn, diễn giải truyền cảm hứng xuất sắc và có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng”.

Hiện nay, bên cạnh chuyên ngành chính là truyền thông, Nghiêm Thu Loan đã cải thiện và nâng cao nhiều kỹ năng như: sư phạm, công nghệ thông tin, sáng tác văn học, công tác xã hội, quản lý và lãnh đạo, kinh tế và khởi nghiệp, MC và kỹ năng sân khấu…

Khi học tập tại bậc THCS, Thu Loan đã trở thành tình nguyện viên với nhiệm vụ chuyển đổi sách văn học sang định dạng tiếp cận cho học sinh khiếm thị. Từ ngày ấy, cô được đi đến muôn nơi, gặp gỡ nhiều người để thực hiện sứ mệnh của mình ở các hoạt động, dự án, chiến dịch vì những người có hoàn cảnh khó khăn với nhiều vai trò khác nhau như: đại sứ truyền thông; diễn giả truyền cảm hứng; lãnh đạo lên ý tưởng, kế hoạch và tổ chức chương trình; giáo viên dạy kèm…

“Gần đây nhất, tôi đã kết nối thành công với chương trình “Cùng bạn đọc sách – nâng tầm trí tuệ Việt” để tìm kiếm công việc làm thêm cho các bạn khiếm thị tại Câu lạc bộ Step – Hành động vì người khiếm thị” - Nghiêm Thu Loan chia sẻ.

Cô gái khiếm thị Vũ Thị Hải Anh vượt qua bóng tối bằng nghị lực và sự đam mê học hỏi
Cô gái khiếm thị Vũ Thị Hải Anh vượt qua bóng tối bằng nghị lực và sự đam mê học hỏi

Trong khi đó, Vũ Thị Hải Anh (22 tuổi) bị khiếm thị bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam của bố. Không đầu hàng số phận, cô gái khiếm thị đã vượt qua bóng tối bằng nghị lực và sự đam mê học hỏi của mình. Hải Anh không chỉ trở thành “Đại sứ văn hóa đọc”, nhận được nhiều bằng khen và học bổng mà còn truyền cảm hứng, nghị lực sống cho nhiều người có hoàn cảnh giống mình.

Vũ Thị Hải Anh đã giành giải Đặc biệt trong “Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019”; “Giải Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô năm 2019”, “Tuyên dương học sinh giỏi tiêu biểu của Thủ đô năm học 2019-2020…

Vũ Thị Hải Anh và Nghiêm Thu Loan được vinh danh, khen thưởng tại toạ đàm “Vượt khó khăn, vượt rào cản và khát vọng cống hiến của thanh niên khiếm thị Thủ đô” do Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Cơ quan Hội Người mù TP Hà Nội tổ chức ngày 20/3
Vũ Thị Hải Anh và Nghiêm Thu Loan được vinh danh, khen thưởng tại toạ đàm “Vượt khó khăn, vượt rào cản và khát vọng cống hiến của thanh niên khiếm thị Thủ đô” do Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Cơ quan Hội Người mù TP Hà Nội tổ chức ngày 20/3

Mới đây, Hải Anh vinh dự được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lựa chọn tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 tại Hà Nội. Trong tương lai, cô sẽ tiếp tục tham gia các dự án truyền cảm hứng cho người khuyết tật.

Nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường

Theo ông Lê Trung Quyết - Chủ tịch Hội Người mù TP Hà Nội, những người khiếm thị trẻ đã và đang nỗ lực vượt lên số phận, chiến thắng số phận. Vai trò xung kích đi đầu của người khiếm thị trẻ trong các hoạt động như học tập tin học, chuyên môn, ngoại ngữ, rèn luyện sức khỏe, hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ… từ lâu đã trở thành động cơ thúc đẩy, lôi cuốn nhiều lứa tuổi khác tham gia.

Ngày 20/3, Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Cơ quan Hội Người mù TP Hà Nội tổ chức toạ đàm “Vượt khó khăn, vượt rào cản và khát vọng cống hiến của thanh niên khiếm thị Thủ đô”
Ngày 20/3, Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Cơ quan Hội Người mù TP Hà Nội tổ chức toạ đàm “Vượt khó khăn, vượt rào cản và khát vọng cống hiến của thanh niên khiếm thị Thủ đô”

Có những người khiếm thị trẻ miệt mài quyết tâm học tập không chỉ trong nước mà còn du học tại các nước tiên tiến. Có những người khiếm thị trẻ là nhà báo, MC truyền hình, nhà văn, điều phối viên các dự án hỗ trợ người khuyết tật, chủ nhiệm các CLB của người khiếm thị, là chủ doanh nghiệp, là chủ trang trại tạo việc làm cho các bạn đồng tật và gia đình, những giáo viên, nhạc sĩ, ca sĩ khiếm thị làm đẹp cho đời…

Trong khi đó, theo bà Lê Thị Chinh - Bí thư Chi đoàn cơ quan Hội Người mù TP Hà Nội, thanh niên khiếm thị Thủ đô đã tích cực phát huy truyền thống, tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực của xã hội, góp phần vào xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp và hiện đại. Đồng thời, cũng khẳng định tiềm năng, vai trò và vị thế quan trọng trong gia đình, xã hội. Để trở thành những tấm gương tiêu biểu, điển hình, người khiếm thị đã phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần so với người bình thường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần