Tiếng gõ cửa liên hồi, chuông điện thoại reo không dứt… vậy mà trên khuôn mặt người thầy thuốc ấy vẫn không mảy may chút mệt mỏi, vẫn ân cần hỏi thăm từng người bệnh.
Vững y thuật, bền y đức
Trong câu chuyện về cuộc đời mình, bác sĩ (BS) Nguyễn Hồng Siêm cho biết, chính mẹ đã truyền cho ông niềm say mê với ngành y. Thế nên ngay từ nhỏ, ông đã khao khát trở thành một BS. Và khi ước mơ thành sự thật, ông đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu và cống hiến cho nền y học Việt, đặc biệt là y học cổ truyền (YHCT).
Nhìn lại quá trình gắn bó với nghề, ông kể: "Năm 1975, tôi được điều về công tác tại Trung tâm y tế thị xã Cam Đường (Lào Cai). Trong 9 năm ở đây, tôi thường đến các bản ở vùng sâu, vùng xa chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhờ đó mà tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nghiên cứu ra những bài thuốc hay kết hợp điều trị giữa Đông và Tây y". Nhưng có lẽ, quãng thời gian để lại nhiều dấu ấn khó quên là lúc BS Siêm được chuyển về công tác tại khoa YHCT, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hà Tây (nay là Bệnh viện Đa khoa Hà Đông). Thời gian này, ông đã có điều kiện nghiên cứu, sàng lọc và phân loại các phương pháp chữa bệnh. Bằng YHCT dùng thuốc và không dùng thuốc (như châm cứu, cấy chỉ, châm tê để mổ) cùng sự kết hợp tài tình giữa Đông – Tây y, ông đã chữa trị thành công cho hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh nan y như: Liệt sau hội chứng não cấp, teo gai thị, xoang… Đặc biệt, chỉ riêng trong năm 1988, ông đã chữa khỏi cho hơn 100 ca phục hồi di chứng vận động tâm thần sau hội chứng não cấp. TTND Nguyễn Hồng Siêm kể: Thời điểm đó, rất nhiều trẻ con sốt cao rồi hôn mê, dẫn đến tổn thương các tế bào thần kinh. Nếu cứu được thì sẽ bị để lại các di chứng như rối loạn thần kinh, liệt, câm điếc, mù lòa… Trước tình hình đó, tôi đề xuất chỉ cần bệnh nhân dừng sốt, thì châm cứu ngay để cứu các tế bào thần kinh càng nhanh càng tốt. Nhờ đó, trên 95% bệnh nhân không để lại di chứng. “Đó là điều vô cùng tuyệt vời và tôi không bao giờ có thể quên được” – BS Siêm tự hào.
Năm 2008, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội. Để trau dồi kiến thức, ông tiếp tục học hỏi và có nhiều đề tài khoa học được đánh giá cao. Trong đó đề tài “Đánh giá thực trạng chất lượng một số dược liệu thường dùng trong thuốc cổ truyền trên địa bàn TP Hà Nội” được nghiệm thu xuất sắc và được Bộ Y tế ứng dụng trong việc quản lý, phân phối và sử dụng dược liệu.
Hết lòng vì người bệnh
Hơn 40 năm cống hiến cho ngành Đông y, ông không thể nhớ hết số bệnh nhân mình cứu chữa, nhưng đối với họ, ông là ân nhân, là “vị cứu tinh”. Người bệnh và cả đồng nghiệp đều cho rằng, dấu ấn của ông không chỉ ở những công trình nghiên cứu khoa học, những cuốn sách chuyên môn mà thể hiện rõ nét qua y thuật và y đức.
Bên cạnh niềm say mê với nghề, nghiên cứu khoa học, BS Siêm còn luôn khát khao thực hiện các chương trình thiện nguyện. Hàng năm ông phối hợp với Hội Đông y các quận, huyện tổ chức chương trình khám chữa bệnh cho trên 1 triệu lượt người, hàng vạn người được khám cấp thuốc miễn phí, mà không để xảy ra sai sót chuyên môn. Đặc biệt, gần đây ông còn triển khai mô hình “Tuệ Tĩnh Đường” mở phòng khám tại Chùa để khám chữa bệnh miễn phí cho người dân. “Phòng khám Tuệ Tĩnh Đường đầu tiên được khánh thành tại chùa Vạn Phúc (huyện Sóc Sơn). Nếu mô hình hiệu quả, tôi sẽ cố gắng kết hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND TP triển khai mỗi năm 3 phòng khám ở 3 quận, huyện, để 10 năm sau 30 quận, huyện trên địa bàn TP đều có Tuệ Tĩnh Đường” - BS Siêm bày tỏ.
Bước qua tuổi 60, nhưng BS Siêm vẫn ngày đêm làm việc, chưa có lúc nào ngơi nghỉ. Có lẽ đối với người TTND ấy, không bằng khen, giấy khen hay danh hiệu nào quý giá hơn sức khoẻ của người dân. Chỉ cần nhìn thấy mọi người khỏi bệnh và khỏe mạnh là ông cảm thấy hạnh phúc và sung sướng vô cùng. Đó cũng chính là y đức và sự lan tỏa nhiệt huyết dành cho Đông y của người thầy thuốc mang tên Nguyễn Hồng Siêm.