Lan tỏa giá trị nguồn cội

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Từ ngàn đời nay, đối với mỗi người dân nước Việt, Giỗ tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng đã trở thành biểu tượng tinh thần, mang bản sắc văn hóa độc đáo, kết thành ý thức nguồn cội, nghĩa đồng bào, trở thành yếu tố nội lực tạo nên sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Giá trị ấy ngày càng được lan tỏa tới hàng triệu trái tim người con đất Việt ở khắp muôn nơi.

Linh thiêng trong tâm thức người Việt

Mọi quốc gia tồn tại lâu dài trong lịch sử thường có một hệ thống huyền thoại về cội nguồn của mình. Nó là huyền thoại vì đó là thời kỳ quá xa xưa, khi mà những tri thức nhân loại, chưa thể với tới để lý giải một cách khoa học, thậm chí mãi mãi sẽ không lý giải được một cách tường minh. Tưởng tượng huyền thoại thay tri thức khoa học đã sáng tạo về cội nguồn cộng đồng một cách thần thánh, thiêng liêng và lung linh. Mọi bộ sử quốc gia trước đây đều bắt đầu từ các huyền thoại lung linh đó.

Các đoàn rước kiệu về đền Hùng sáng 7/3 Âm lịch. Ảnh: Ngọc Tú
Các đoàn rước kiệu về đền Hùng sáng 7/3 Âm lịch. Ảnh: Ngọc Tú

Nhu cầu xây dựng quốc gia độc lập đã là động lực tinh thần kết tập tất cả những huyền thoại tản mát của nhiều cư dân trên một không gian địa lý thành một hệ thống mang tính huyền thoại chứng minh cho sự thống nhất cội nguồn quốc gia, cội nguồn dân tộc.

Chúng ta có hệ thống truyền thuyết, hệ thống tín ngưỡng về cội nguồn lịch sử. Thế kỷ XIV - XV, hệ thống đó đã được sưu tầm, biên soạn trong một tác phẩm thành văn độc đáo và kỳ diệu, đó là sách Lĩnh Nam chích quái. Từ đó, các bộ sử quốc gia đều sử dụng hệ thống đó, đưa vào những trang sử đầu tiên về cội nguồn. Đến lượt cuốn kỳ thư này luôn luôn được các thế hệ đời sau tăng bổ, tục biên suốt nhiều thế kỷ sau cho đến hết thời phong kiến. Những người làm sách nói rõ là công việc của họ là quá trình sưu tập những câu chuyện, những tập tục thờ cúng từ cổ xưa đã lưu truyền ở cõi Lĩnh Nam.

Trước khi việc thờ cúng nâng lên tầm quốc gia thì trên địa bàn Phong Châu cổ xưa, tín ngưỡng này đã được tiến hành. Thời Lê Thánh Tông (1470), thời Lê Kính Tông (1601) đã có tài liệu nói về việc cúng tế, hương khói và sử dụng thuế ruộng cho Nhân dân sở tại cúng tế Hùng Vương. Nâng lên tầm "quốc lễ", "quốc tế" thì tấm bia đặt tại đền Hùng được vào năm 1940, nửa đầu thế kỷ trước cho ta biết vào năm 1917 là năm Khải Định thứ hai, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc đã có tờ trình xin tổ chức quốc lễ vào ngày 10 tháng ba hàng năm, Tuần phủ tỉnh sẽ thay mặt triều đình đích thân tế tự. Và Nhân dân sở tại thì tế lễ vào ngày 11 tháng ba theo lệ cũ. Và từ đó, chúng ta có câu ca dao dân gian: "Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm".

Từ những tín ngưỡng xa xưa lẻ tẻ của cộng đồng cư dân, Giỗ Tổ đã từng bước được tổ chức ở cấp cao nhất của Nhà nước, thành một đại lễ ngày càng phát triển, ngày càng trang trọng và thiêng liêng trong tâm thức dân tộc Việt Nam.

Căn cước văn hóa

Các hệ thống tín ngưỡng, các hệ thống tôn giao có vai trò rất quan trọng trong việc cố kết cộng đồng. Nó góp phần tạo nên những tập hợp cái gọi là "chúng ta" để phân biệt với tập hợp "khác chúng ta", nó tạo nên bản sắc văn hóa. Trong nghiên cứu văn hóa trước đây, việc có chung một hệ thống huyền thoại, truyền thuyết về cội nguồn cũng là một tiêu chí để xác định tộc người.

Nghiên cứu văn hóa gần đây đã khái quát hóa thành lý thuyết về "tưởng tượng cộng đồng", tức là, mỗi cộng đồng nhân loại sáng tạo nên một thế giới văn hóa tinh thần đặc biệt để xác định từng bộ phận của nó thuộc về cội nguồn nào. Cái tinh thần đó trở thành tình cảm, thành tâm thức từng cá nhân dù họ sống ở đâu. Đó chính là căn cước văn hóa để dù cư ngụ bất cứ nơi nào trên thế giới, họ vẫn là họ trong một tập hợp đã được xác định về mặt lịch sử.

Cũng như các hệ thống tín ngưỡng hay tôn giáo khác, nó lan tỏa khắp nơi nhưng vẫn giữ cốt cách tinh thần thuộc về cộng đồng mình. Việc nhiều cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới tổ chức những hoạt động nghi lễ và văn hóa trong dịp Giỗ Tổ chứng tỏ tấm lòng uống nước nhớ nguồn của văn hóa chúng ta, hơn nữa, họ đem đến cho các không gian khác một bản sắc Việt Nam, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa ở các quốc gia đó. Thế giới rất cần thiết sự đa dạng văn hóa.

Chúng tôi khi ở nước ngoài, nếu gặp những dịp lễ hội trong năm cũng thường tổ chức gặp gỡ, mời khách nước ngoài tham gia vào các hoạt động văn hóa đó. Nói chung là họ rất vui vẻ ủng hộ. Được tham gia vào các hoạt động "khác mình", với bất cứ ai, cũng là một trải nghiệm thú vị.

Văn hóa Hùng Vương nhìn từ thờ phụng

Cách nay 10 năm, UNESCO ghi nhận tục thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa tinh thần đại diện của nhân loại. Sự ghi nhận đó là việc khẳng định một thực hành tín ngưỡng, thực hành văn hóa mang bản sắc Việt Nam, đồng thời quan trọng hơn là việc khẳng định độc lập và quyền tự quyết dân tộc từ cội nguồn của quốc gia - dân tộc Việt Nam vì hệ thống tín ngưỡng này hướng về cội nguồn quốc gia, và trên thực tế, nó góp phần tinh thần lớn lao trong việc bảo vệ và xây dựng độc lập dân tộc.

Sự ghi nhận Di sản văn hóa đi kèm những quy ước, những điều khoản về trách nhiệm trên các mặt thấu hiểu - bảo tồn - phát huy và quảng bá văn hóa Di sản. Đó là trách nhiệm của chúng ta.

Với Di sản tục thờ cúng Hùng Vương, trong thời đại mới chúng ta đã làm được rất nhiều. Tuy nhiên dư địa vẫn còn rất rộng lớn và cần phải sáng tạo hơn nữa trên tất cả các quy ước nêu trên. Với tư cách là một Di sản, chúng ta thấy đó còn là một tài nguyên tinh thần cho sáng tạo hôm nay. Không chỉ là một lễ hội Giỗ Tổ, văn hóa Hùng Vương còn là một hệ thống rộng lớn các vị thần, các nhân vật được thờ tự khắp nơi trên đất nước. Đi thực tế qua lễ hội các làng, qua các nơi thờ tự, lễ hội các biểu tượng, các nhân vật truyền thuyết trong hệ thống truyền thuyết thời đại Hùng Vương, ta thấy nhu cầu của Nhân dân là rất cần thiết và thiết thực.

Từ một bài tế, một kịch bản tế lễ, kịch bản lễ hội đến tổng thể các trình diễn nghệ thuật như văn chương, sân khấu, vũ đạo, âm nhạc, điện ảnh, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, du lịch, thời trang... đều rất cần thực hành, phát triển và quảng bá. Rất nhiều nơi tổ chức lễ hội thờ tự vẫn chưa có những bài hát, những tiểu phẩm cho chính vị thần thời Hùng Vương mà dân làng thờ tự.

Nhân tài sáng tạo và phát triển chúng ta không thiếu, vấn đề năm ở chính sách, sự đầu tư, ở kế hoạch cụ thể cho việc phát triển. Tại sao các thế hệ cha anh trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, họ đi khắp các địa bàn gian khổ hy sinh để sáng tạo nghệ thuật và tạo ra được những tác phẩm bất hủ cho cách mạng, cho Nhân dân? Bây giờ chúng ta có một lực lượng tài năng hơn, đào tạo bài bản hơn mà không hướng tới đáp ứng nhu cầu rất cần thiết đó.

Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 vừa diễn ra đề cập đến vai trò quan trọng của văn hóa, đến cả việc đầu tư cho sự phát triển văn hóa nhưng nhiều vấn đề cấp thiết, cụ thể đã ít được quan tâm. Nhân dân đang cần rất nhiều ở chúng ta trong sự nghiệp phát triển và quảng bá di sản văn hóa truyền thống cho đời sống văn hóa ngày hôm nay.

 

"Sự thành công lớn nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản chính là từ Khu Di tích lịch sử đền Hùng -Trung tâm thực hành nghi lễ tín ngưỡng - với sự hội tụ sâu sắc nhất nghĩa “đồng bào”. Ý thức nguồn cội của hàng triệu người dân đất Việt và sự lan tỏa mạnh mẽ từ Trung tâm Nghĩa Lĩnh không chỉ đến các di tích thờ Hùng Vương trong tỉnh Phú Thọ mà còn lan rộng ra các di tích thờ Hùng Vương trong và ngoài nước." - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - Trưởng ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2022 Hồ Đại Dũng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần