Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lan tỏa lớp người cao tuổi làm kinh tế giỏi

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 năm qua, phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” phát triển tốt cả bề rộng và chiều sâu, đã lôi cuốn được hàng chục ngàn người cao tuổi (NCT) tham gia và xuất hiện nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi tiêu biểu. Qua đó, đã khẳng định được vai trò, vị thế của lớp NCT Thủ đô.

Nhiều cá nhân, điển hình người cao tuổi làm kinh tế giỏi được biểu dương trong gian đoạn 2012 - 2017.
15 năm chèo lái công ty cùng “3 chữ T vàng”
Được tôn vinh là một trong 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015, doanh thu hàng năm của Công ty Cổ phần Thương mại và sản xuất Đoàn Minh thuộc khu công nghiệp An Khánh, Hoài Đức, đều đạt trên 600 tỷ đồng, riêng năm 2017, doanh thu đạt 900 tỷ đồng.
Hiện công ty chuyên sản xuất và kinh doanh tấm lợp kim loại màu với thương hiệu Tôn mát Việt Hàn POSHACO, giải quyết việc làm cho 150 lao động, với mức lương bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các thành viên trong công ty, trước hết là sự năng động, tầm nhìn chiến lược của Giám đốc Đào Sỹ Hưởng.

Sinh ra ở thôn Miêu Nha, phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, dù đã 76 tuổi, song ông Hưởng vẫn luôn duy trì một quan điểm sống rõ ràng, đó là không dựa vào con cháu, luôn phát huy sức sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông còn tích cực làm công tác từ thiện ở địa phương.
“Trong sản xuất, kinh doanh, tôi luôn theo sát “3 chữ T vàng” đó là Tâm, Tầm và Tín. Một yếu tố không kém quan trọng là vấn đề con người. Tất cả những bí quyết ấy đã giúp Công ty Đoàn Minh đứng vững trong cơ chế thị trường và không ngừng phát triển trong 15 năm qua” - ông Hưởng chia sẻ.

Khôi phục nghề may da Kiêu Kỵ

Nhận thấy, làng nghề may da Kiêu Kỵ (Gia Lâm) đang ngày càng bị mai một, trong khi thị trường lại đang thiếu các sản phẩm bằng da, sẵn có tay nghề kỹ thuật trong ngành da, vợ chồng bà Phạm Thị Ngọc Chi - Hội viên Hội Người cao tuổi phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, nguyên là cán bộ nhà nước, đã bàn nhau xin về nghỉ hưu sớm để khôi phục nghề may da. Năm 1992, vợ chồng bà Chi quyết định thành lập Công ty Cổ phần sản xuất, dịch vụ sản phẩm da LADODA sản xuất các sản phẩm đồ da và mở cửa hàng bày bán các sản phẩm cặp sách, balo, túi, ví tại số 39 phố Phủ Doãn, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.

Nhờ đảm bảo chất lượng, không ngừng đổi mới mẫu mã, các sản phẩm cặp da, túi xách, giày dép da, 26 năm qua, LADODA đã trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Công ty đã giải quyết việc làm cho trên 1.000 người lao động với mức thu nhập đạt trên 7 triệu đồng/người/tháng; xây nhà tập thể cho công nhân ở miễn phí; những công nhân không ở trong khu tập thể, hàng tháng được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ 100.000 đồng/tháng. Không dừng lại ở đó, việc tích cực tham gia các hoạt động từ thiện đã trở thành truyền thống của LADODA.
Hàng năm, Công ty tham gia ủng hộ các chương trình từ thiện từ 400 - 500 triệu đồng. Ngoài ra, LADODA còn xây dựng và sửa chữa 3 nhà tình nghĩa tại xã Kiêu Kỵ và phường Hàng Trống, nhận nuôi trẻ mồ côi, một Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình phúc lợi, xây dựng đường xá và xây dựng nhà tình nghĩa...

Phó trưởng Ban Thường trực Ban Đại diện Hội Người cao tuổi TP Hà Nội Phạm Văn Ngọc nhận định: “Thực tiễn 5 năm qua (2012 - 2017) càng khẳng định làm kinh tế giỏi là thể hiện ý chí và nguyện vọng thiết tha của NCT, không cam chịu đói nghèo, vượt khó vươn lên làm giàu cho chính mình, cho con cháu, cho cộng đồng xã hội. Từ kết quả của phong trào làm kinh tế giỏi, NCT đã góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là cuộc vận động của MTTQ về xóa đói giảm nghèo, góp phần thiết thực, hiệu quả trong việc giảm hộ nghèo ở từng địa phương”.