Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các cấp hội phụ nữ Hà Nội

Lan tỏa những mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, các cấp Hội LHPN Hà Nội đang hướng tới tuyến phố kinh doanh ẩm thực an toàn, tích cực thay đổi phương thức sản xuất, chế biến để thay đổi tư duy và hành vi của chị em phụ nữ trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

Qua đó góp phần cung cấp, tiêu thụ sản phẩm an toàn, hàng hóa bảo đảm đến tay người tiêu dùng.

Cơ sở nấu xôi của gia đình chị Nguyễn Thị Nhung phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ảnh: Trần Thảo
Cơ sở nấu xôi của gia đình chị Nguyễn Thị Nhung phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ảnh: Trần Thảo

Nhiều mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm thiết thực, hiệu quả

Thời gian qua, Hội LHPN quận Tây Hồ đã tích cực tham gia, vận động hội viên và Nhân dân sản xuất kinh doanh an toàn, trong đó chú trọng đến các dịch vụ ẩm thực an toàn thực phẩm (ATTP).

Xôi Phú Thượng là món ẩm thực nổi tiếng của làng nghề Phú Thượng đã được gia đình chị Nguyễn Thị Nhung (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) kế thừa và phát triển trở thành món ăn không thể thiếu trong các nhà hàng hay chợ truyền thống. Là một trong những người nấu xôi giỏi, tiêu biểu của phường Phú Thượng, mỗi ngày cơ sở nấu xôi của chị Nhung cung ứng ra thị trường 300kg xôi.

Hiện sản phẩm xôi Phú Thượng đã đạt chuẩn OCOP 4 sao của TP Hà Nội, thương hiệu khẳng định uy tín, chất lượng của sản phẩm làng nghề. “Để giữ được thương hiệu truyền thống của làng nghề được bền lâu, cơ sở nấu xôi luôn đảm bảo sạch sẽ, ATTP. Đặc biệt, cơ sở luôn chọn loại gạo ngon, dẻo và quan trọng hơn cả là nguồn nước đảm bảo vệ sinh” - chị Nhung chia sẻ.

Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thượng, quận Tây Hồ Công Thị Tuyết Lan cho biết, trong sản xuất kinh doanh, chị em phụ nữ phường luôn đặt yêu cầu chất lượng ATTP lên hàng đầu, bao bì đảm bảo đẹp mắt, tinh tế. Logo thương hiệu sản phẩm cũng được chị em ý thức sử dụng, nhờ đó, sản phẩm xôi truyền thống của Phú Thượng được lan tỏa, rộng khắp.

Trên địa bàn quận Tây Hồ hiện có 1.600 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Với hơn 50% chị em phụ nữ tham gia làng nghề, Hội LHPN quận Tây Hồ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho các chủ hộ sản xuất kinh doanh, đảm bảo ATTP và thành lập 10 tổ liên kết hội viên phát triển xôi truyền thống với hơn 300 hộ tham gia.

Hội LHPN quận đã chỉ đạo 8/8 phường tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, ký cam kết đảm bảo ATTP, thực hiện 3 không (không sản xuất không an toàn, không giết mổ gia súc gia cầm không an toàn và không sử dụng phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép trong sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm).

Đồng thời, Hội LHPN quận cũng đã thành lập và cho ra mắt được 45 chi hội với các mô hình đảm bảo ATTP như mô hình “2 dao 2 thớt”; “sử dụng làn nhựa đi chợ”; “không dùng đồ đựng thực phẩm làm từ nhựa đi chợ, đặc biệt là nhựa màu đen, sử dụng hộp bảo quản thực phẩm đảm bảo ATTP, kinh doanh thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ” và “tủ lạnh an toàn”. Ngoài ra, Hội LHPN quận cũng đã xây dựng 3 tuyến phố Nghi Tàm, Tô Ngọc Vân và Trích Sài thành tuyến phố kinh doanh ẩm thực an toàn.

Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Tây Hồ Đỗ Thị Phương Lân cho biết, thời gian qua, Hội LHPN quận đã chỉ đạo các phường thành lập các tổ liên kết như tổ liên kết kinh doanh bán hàng ăn sáng, tổ liên kết kinh doanh nước giải khát.

Đặc biệt, tại phường Phú Thượng đã thành lập tổ liên kết sản xuất kinh doanh xôi truyền thống, trong đó, Hội LHPN quận lưu ý đến vấn đề đảm bảo ATTP. Với các hộ tham gia tổ liên kết thực hiện nghiêm quy định gắn với việc đảm bảo ATTP ngay từ trong bếp của mỗi hộ sản xuất kinh doanh như tiêu chí của cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”.

Trong sản xuất kinh doanh, chị em phụ nữ phường Phú Thượng luôn đặt yêu cầu chất lượng ATTP lên hàng đầu.
Trong sản xuất kinh doanh, chị em phụ nữ phường Phú Thượng luôn đặt yêu cầu chất lượng ATTP lên hàng đầu.

Phụ nữ nói không với kinh doanh thực phẩm bẩn

Những năm gần đây, Hội LHPN phường Thanh Xuân Bắc đã triển khai nhiều hoạt động đảm bảo ATTP đến hội viên phụ nữ và Nhân dân, trong đó quan tâm đến tiểu thương phụ nữ. Hội đã chủ động, vận động tiểu thương cam kết “Nói không với kinh doanh thực phẩm bẩn; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ”. Trong sản xuất, chế biến hàng ăn sẵn, sản xuất đậu phụ, giá đỗ, giò chả... nhiều hội viên phụ nữ đã sử dụng chất phụ gia thay thế cho phẩm màu…

Hiện nay, 12/12 chi hội của Hội LHPN phường đã thành lập mô hình "Chi hội phụ nữ thay đổi hành vi trong vệ sinh ATTP" với gần 1.000 thành viên tham gia. Trong đó, gần 100 chị em hội viên phụ nữ tiểu thương tham gia. Đặc biệt, phường có nhiều phụ nữ di cư kinh doanh sinh sống, năm 2020, Hội đã thành lập mô hình “Tổ phụ nữ di cư thay đổi hành vi trong ATTP” với mục đích không chỉ hội viên phụ nữ thay đổi hành vi trong ATTP mà còn hướng tới tất cả Nhân dân trên địa bàn.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội LHPN phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân Lê Thùy Hương, thời gian qua, Hội LHPN phường Thượng Đình đã đăng ký xây dựng và thực hiện mô hình “1 chợ và 1 tuyến phố có kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm” góp phần cùng chính quyền địa phương bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội.

Để duy trì, nâng cao chất lượng mô hình, Hội LHPN phường đã rà soát 27 hộ kinh doanh ăn uống tại phố Thượng Đình và 5 hộ bán thực phẩm đồ khô có chỗ ngồi cố định tại chợ Thượng Đình, để từ đó có các biện pháp cụ thể tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh thực hiện mô hình kiểm soát ATTP...

Chủ tịch Hội LHPN quận Nam Từ Liêm Lê Bích Hà cho biết, quận Nam Từ Liêm có 3.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Những năm qua, Hội LHPN quận đã chỉ đạo ra mắt 86 chi hội thay đổi hành vi trong ATTP, tổ chức ký cam kết thực hiện ATTP, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân tiêu dùng, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh.

Đặc biệt trên địa bàn quận có làng nghề truyền thống sản xuất bún tại phường Phú Đô và cốm của phường Mễ Trì. Do đó, Hội LHPN quận luôn tập trung chỉ đạo các cấp hội chú trọng tuyên truyền, phối hợp kiểm tra thường xuyên; tổ chức trưng bày gian hàng sản phẩm đảm bảo ATTP nhân các sự kiện lớn của Hội; tham quan một số mô hình sản xuất thực phẩm an toàn: Mô hình trồng nấm, mô hình trồng rau sạch, sản xuất thịt sạch Organic…

Ngoài ra, Hội LHPN quận cung cấp danh sách địa chỉ cửa hàng bán trái cây trên địa bàn do Chi cục quản lý chất lượng nông sản quản lý tới 100% các chi hội. Cung cấp các thông tin sản phẩm được Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội giới thiệu tới cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân.

Đặc biệt, năm 2022, Hội LHPN quận đã chỉ đạo 100% các phường từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 đồng loạt ra mắt 20 mô hình thực hiện ATTP với các mô hình: Trồng rau sạch tại nhà của phường Cầu Diễn; nhóm nòng cốt tuyên truyền ATTP của Mễ Trì; tuyên truyền sản xuất bún, phở sạch Phú Đô, cốm tại Mễ Trì. Tổ chức ký cam kết đối với các làng nghề sản xuất kinh doanh bún, cốm…

 

Từ năm 2017, Hội LHPN TP chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng 1.600 chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong ATTP, thu hút 57.405 hội viên, phụ nữ sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia. Mặt khác, từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội LHPN TP đã kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ hơn 2.500 tấn nông sản; tổ chức các ngày hội trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sáng tạo của phụ nữ.

Đặc biệt, hơn 4 năm qua, các cấp Hội đã hỗ trợ 2.560 phụ nữ khởi nghiệp; phối hợp tổ chức trang thông tin điện tử “Chợ nhà mình”, chương trình “Làng đặc sản” kết nối các DN nữ trưng bày, giới thiệu sản phẩm chất lượng cao; phối hợp mở 141 điểm phân phối thực phẩm sạch tới người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy