Lan tỏa Phong trào “Bình dân học vụ số” tại quận Đống Đa
Kinhtedothi - “Phong trào “Bình dân học vụ số” là một phần trong chiến lược phát triển toàn diện của quốc gia thu hẹp khoảng cách số; nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến; thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời”.
Đây là nội dung được nêu ra tại buổi Toạ đàm, phát động Phong trào “Quận Đống Đa với Bình dân học vụ số” do UBND Đống Đa phối hợp với LĐLĐ quận Đống Đa tổ chức diễn ra sáng 10/4.

Quang cảnh Toạ đàm, phát động Phong trào “Quận Đống Đa với Bình dân học vụ số” do UBND Đống Đa phối hợp với LĐLĐ quận Đống Đa tổ chức diễn ra sáng 10/4.
Tăng hiệu quả trong công tác chuyển đổi số
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Trong bối cảnh đó, quận Đống Đa đã quán triệt và hiện thực hóa các chủ trương, đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ mọi hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực trên toàn quận nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại quận. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, từng bước hình thành hạ tầng số đồng bộ, hiện đại.
Cụ thể, với công tác cải cách hành chính (CCHC), quận đã xây dựng “Đề án ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số trong hoạt động trong hệ thống chính trị quận Đống Đa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; duy trì thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) không chờ tại Bộ phận Một cửa tại 17 phường. 100% hồ sơ TTHC được giải quyết trên môi trường mạng; 100% các cơ sở y tế thực hiện chuyển đổi số, triển khai bệnh án điện tử; 100% bệnh viện trên địa bàn ứng dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện; 100% học sinh các cấp có hồ sơ, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử; bước đầu triển khai có hiệu quả việc khai thác, sử dụng các phần mềm AI trong dạy, học.
Chuyển đổi số góp phần phát huy giá trị di tích quận Đống Đa thông qua việc xây dựng trang thông tin điện tử Website "Godongda"… Trong lĩnh vực tư pháp, quận tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả nhiệm vụ công tác tư pháp, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội và quận Đống Đa bấm nút phát động Phong trào “Quận Đống Đa với Bình dân học vụ số”.
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa nhấn mạnh, để hưởng ứng lời phát động của Tổng Bí Thư Tô Lâm và thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, quận Đống Đa đã sẵn sàng tâm thế, xây dựng các kế hoạch, ưu tiên nguồn lực để phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số đến mọi tầng lớp Nhân dân. Trong đó, UBND quận và LĐLĐ động Quận Đống Đa tổ chức Chương trình Tọa đàm, phát động Phong trào “Quận Đống Đa với Bình dân học vụ số”. Qua chương trình sẽ tuyên truyền sâu rộng về Phong trào "Bình dân học vụ số". Phổ biến đến từng hộ gia đình, người dân về mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng của việc làm chủ công nghệ số, kỹ năng số.
Ngoài ra, cập nhật và triển khai các quy định, hướng dẫn về Khung kỹ năng số, kèm theo hướng dẫn đánh giá, xác nhận đạt trình độ phổ cập kỹ năng số cho bốn nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước; học sinh, sinh viên; người lao động trong các doanh nghiệp, người dân...
Làm chủ trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra cơ hội phát triển
Tại quận Đống Đa, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng cho biết, chuyển đổi số chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa tương lai. Để “Bình dân học vụ số” trở thành phong trào toàn dân, toàn diện, đồng bộ, rộng khắp và đạt được mục tiêu đặt ra, các cấp ủy, chính quyền từ quận tới cơ sở đặc biệt là thế hệ trẻ cần nhất quán quan điểm coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Lãnh đạo quận Đống Đa trao biểu dương cho các cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa.
Với quyết tâm lớn, quận Đống Đa đặt mục tiêu tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản về thể chế, “không để ai bị bỏ lại phía sau” và “người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số”. Phấn đấu 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ băng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc (chỉ tiêu năm 2026 đạt 100%); 100% học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số; 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số…
Chia sẻ tại Toạ đàm, phát động phong trào “Quận Đống Đa với Bình dân học vụ số”, TS Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, nguyên Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ và Chuyển đổi số Việt Nam cho rằng, trong những năm trở lại đây, khoa học công nghệ đã có sự phát triển thần tốc, kỳ diệu và ngoạn mục, ngoài sức tưởng tượng của con người. Khoa học đã mở ra tầm nhìn vô tận, không có ràng buộc nào và thay đổi các nền kinh tế, trật tự thế giới nhanh đến chóng mặt. Bên cạnh đó khoa học công nghệ cho con người công cụ quản lý chuẩn mực, thông minh, hạn chế được bất cập trong hành chính công, phục vụ đời sống con người.
Do vậy, để theo kịp tiến bộ khoa học công nghệ, thông tin thì mỗi người phải tự nâng cao sự tự giác học tập, tìm tòi. Đặc biệt với thế hệ trẻ có nhiều lợi thế về nhận thức, cơ hội tiếp cận thông tin phải là những người đi đầu trong tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ của thế giới.
Để phát triển công nghệ và phong trào “Bình dân học vụ số”, TS Lê Doãn Hợp cho rằng phải tập trung và đổi mới công tác giáo dục – đào tạo so với trước đây. Ngành giáo dục phải làm căn cơ, nếu không “học thật, làm thật” sẽ rơi vào hình thức, đối phó, cốt làm cho có mà không đi vào thực tế.
Ngoài ra, cần đào tạo thực chất, giúp người dân biết cách sử dụng công nghệ số trong đời sống và công việc hàng ngày chứ không chỉ dừng lại ở việc nghe lý thuyết. Học và ứng dụng ngay trong thực tế, mang lại lợi ích thiết thực, áp dụng vào công việc và đời sống. Đồng thời phải giữ vững được văn hoá truyền thống, tiếp thu văn minh và ứng xử trong đời sống.

Các đại biểu tham dự buổi Toạ đàm.
Trong khi đó, chuyên gia AI Lê Công Thành - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc thông tin cho rằng, chưa bao giờ, trí tuệ nhân tạo đã len lỏi và chi phối cuộc sống của con người, tạo nên những thành tựu vượt trội. Tuy nhiên trên thực tế, tại nhiều quốc gia và tại Việt Nam, siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo chưa được khai thác. Nếu không biết cách tận dụng, nơi đó sẽ rơi vào tình trạng tụt hậu, kém phát triển.
Phong trào “Bình dân học vụ số” là một phần trong chiến lược phát triển toàn diện của quốc gia thu hẹp khoảng cách số; nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến; thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời. Để Phong trào “Bình Dân Học vụ số” có sức lan toả và hiệu quả, trước tiên phải lan toả kỹ năng sử dụng công nghệ số, phương tiện số cho thật nhiều người. Sau đó phải làm sao để hầu hết người Việt Nam sử dụng được trí tuệ nhân tạo đó từ sẽ mở ra cơ hội về kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số tiên tiến, vững bước trong kỷ nguyên số hóa.

Phong trào "Bình dân học vụ số", giúp thanh niên khuyết tật tiếp cận công nghệ
Kinhtedothi - Đội hình “Bình dân học vụ số” gồm các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực sẽ hỗ trợ thanh niên khuyết tật tiếp cận công nghệ, phát triển kỹ năng số và ứng dụng vào công việc, học tập.

Phong trào "Bình dân học vụ số": kiến tạo tương lai số cho người Việt
Kinhtedothi - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, việc trang bị kiến thức số là rất quan trọng. Bởi vậy, phong trào "Bình dân học vụ số" được phát động nhằm kế thừa tinh thần phong trào "Bình dân học vụ" năm xưa và mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên số.